Hà Nội: Phát huy các mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát huy các mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, với sự tham gia của các hội đoàn thể và đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng, đem lại những hiệu quả rất tích cực.
Với mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm qua thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, tác động tích cực tới ý thức cộng đồng như: Mô hình “trồng rau sạch”, mô hình “gà sạch”, sản phẩm nhà làm, vận động 100% phụ nữ bán hàng ăn, nước giải khát ký cam kết an toàn thực phẩm.
Chị Lê Thị Thu, ở xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: “Hội LHPN xã thường tổ chức tuyên truyền vận động các chị em, hội viên chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm sạch, đảm bảo tươi ngon, chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh, bảo đảm sức khỏe nhân dân và người thân trong gia đình. Đồng thời tuyên truyền hướng cách sử dụng và chế biến thực phẩm an toàn, vận động hội viên, phụ nữ cam kết thực hiện “ba không”: Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân nghiêm túc tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hội LHPN quận Nam Từ Liêm cũng là một trong những đơn vị tích cực tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ tích cực tuyên truyền vận động làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Cho đến nay, các cấp hội phụ nữ quận đã ra mắt và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động 119 mô hình “Chi hội thay đổi hành vi an toàn thực phẩm”. Các mô hình này không chỉ tác động đến bản thân hội viên, phụ nữ mà còn tác động đến cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến trong thực hành hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, từ năm 2018, thành phố Hà Nội còn tổ chức xây dựng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Đan Phượng, với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau 6 năm triển khai, thành phố đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia. Các mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.
Bà Nguyễn Mai Hằng, chủ cơ sở ăn uống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết: “Các cấp chính quyền quận, phường đều rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra định kỳ. Chúng tôi là những người kinh doanh dịch vụ ăn uống nên cũng luôn chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi vấn đề an toàn cần đặt lên trên hết, nó không chỉ là chấp hành quy định, mà còn là đảm bảo giữ gìn tốt cho thương hiệu của chính mình. Nên chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ công tác đảm bảo an toàn của chính quyền các cấp, các ngành”.
Từ những mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở, đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách hành động cụ thể của người dân thủ đô trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, từ việc sản xuất đến tiêu dùng, đều được người dân chú trọng đề cao vấn đề đảm bảo an toàn, không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn cho cả cộng đồng.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, chia sẻ: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là chủ trương, chính sách và Luật An toàn thực phẩm; kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm trên các kênh thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp qua hình ảnh trực quan (tranh, ảnh, pano, băng rôn, tờ rơi…). Qua đó, chuyển tải thông điệp truyền thông đến chính quyền các cấp, cơ quan tham gia quản lý an toàn thực phẩm, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường thông tin, chỉ dẫn địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để tổ chức và nhân dân tiếp cận, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.