Hà Nội, tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng xanh, sạch, đẹp

'Nếu không tập trung sản xuất, không tạo ra của cải xã hội thì không tạo được nền tảng, động lực, sức mạnh cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cấp thiết…'.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh như trên khi chủ trì và có bài phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác khối kinh tế 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, tổ chức chiều 21/10.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.

9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đinh Quốc Hùng cho biết, 9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,99%). Ngoài dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2%. Tổng chi ngân sách địa phương là 68.439 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán đầu năm, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin thêm về kết quả trên một số lĩnh vực, ông Đinh Quốc Hùng cho biết, Hà Nội tiếp tục phát triển các loại hình thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đến tháng 10/2024, TP đã khởi công được 28/43 cụm công nghiệp (thêm 8 cụm trong 9 tháng đã qua của năm 2024). Hiện, có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và Khu công nghiệp Bắc Thường Tín đã được Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,74%. TP có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại được quan tâm toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp với các hoạt động đối ngoại, kết nối giao thương, quảng bá giới thiệu sản phẩm đạt được kết quả nhất định…

9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%.

9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%.

Sở ngành triển khai quyết liệt các giải pháp

Thông tin thêm về kết quả 9 tháng năm 2024, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết trong 2 quý đầu của năm 2024, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3, ngập lụt kéo dài, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, sau thiên tai, Thành ủy - UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp phục hồi sản xuất. Đặc biệt, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ sản xuất cây vụ Đông 2024 - 2025. Đến nay, cơ bản các lĩnh vực nông nghiệp dần ổn định trở lại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm những tháng cuối năm 2024.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 3 tháng cuối năm 2024 và năm 2025, sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ các huyện nông thôn mới nâng cao và hồ sơ “thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới”. Bên cạnh đó, hoàn thành các đề án, các nghị quyết lớn về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Đối với lĩnh vực công thương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hiện nay lĩnh vực phát triển công nghiệp đang gặp khó khăn về triển khai một số cụm công nghiệp. Nguyên nhân liên quan đến thủ tục hành chính và cả năng lực của chủ đầu tư. Trong 3 tháng cuối năm 2024, Sở Công Thương phấn đấu phối hợp khởi công thêm 3 cụm công nghiệp.

Về thương mại nội địa, đại diện Sở Công Thương cho biết cung cầu hàng hóa dịp cuối năm rất lớn. Bão số 3 ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, nhất là hoa, cây cảnh. Vì vậy, Sở đang làm việc với các tỉnh, TP để chuyển nguồn hoa, cây cảnh về Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân.

Sở Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh các loại hình dịch vụ - thương mại gắn kết dịch vụ đầu tư; tham mưu đưa vào quản lý hiệu quả thương mại điện tử. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại. Tập trung phát triển các loại hình thương mại, tổ chức bán hàng theo quy mô lớn, điểm bán hàng lưu động gắn với đầu mối giao thông, phố đi bộ…

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch đang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Dự kiến trong năm 2024 sẽ đón 27 triệu lượt khách, doanh thu đạt vượt mục tiêu kế hoạch từ đầu năm.

Đại diện Sở Du lịch cho biết, với định hướng xanh và bền vững, ngành đề xuất không theo đuổi chỉ tiêu số lượng du khách đến mà chuyển sang chú trọng tăng doanh thu, vì không phải số lượng du khách quá lớn không hẳn là tốt do có thể ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.

Đại diện Sở Du lịch cũng kiến nghị Sở NN&PTNT phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch các làng nghề. Ngành GTVT tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó chú trọng hạ tầng giao thông kết nối các khu điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách để tiết kiệm chi phí và thuận lợi nhất. Ngoài ra, Sở KH&ĐT chú trọng phát triển các điểm lưu trú, các trung tâm thương mại…

Tại hội nghị, đại diện các sở ngành cũng đã chia sẻ về kết quả công tác 9 tháng đã qua, đề ra một số giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Chung nhận thức, cùng hành động

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, thu nhập của người dân Thủ đô hiện nay so với nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn xa. Điều này đặt ra bài toán về phát triển kinh tế, bởi nếu không đạt mức bình quân của thế giới thì TP không thể nói chuyện đi xa.

“Nếu không tập trung sản xuất, không tạo ra của cải xã hội thì không tạo được nền tảng, động lực, sức mạnh cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cấp thiết…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định trong từng giai đoạn cụ thể, cần đặt ra những mục tiêu ưu tiên để thúc đẩy, thu hút đầu tư. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Hà Nội sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp theo hướng xanh, sạch, đẹp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh xu hướng phát triển nông nghiệp đa lĩnh vực, đa mục tiêu và mang lại giá trị cao nhất. Đây là định hướng xuyên suốt cho phát triển nông nghiệp Thủ đô.

“Nông nghiệp Hà Nội phải khác so với các địa phương khác. Cùng với điều chỉnh phù hợp diện tích đất lúa, cần nghiên cứu để phát triển được một sản phẩm gạo mang thương hiệu đặc trưng của Thủ đô, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu định hướng.

Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị trong năm 2024, phải phấn đấu hoàn thành 4 huyện nông thôn mới nâng cao và “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”, trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Đây là trách nhiệm chung của các sở ngành chứ không riêng của Sở NN&PTNT.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, hiện nay TP vẫn ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước có điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời đề nghị Sở Công Thương tích cực phối hợp cùng các sở ngành, địa phương sớm triển khai 2 dự án chợ đầu mối quốc tế tại huyện Gia Lâm và trung tâm mua sắm cấp vùng trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Đây là những điều kiện quan trọng thúc đẩy du lịch, thương mại.

Đối với lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá thời gian qua đã phục hồi khá tốt, đồng thời bày tỏ mong muốn Sở Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, hình thành các tour tuyến để kết nối, cộng hưởng và liên kết các điểm du lịch. Ngành du lịch cũng cần tập trung vào “lựa chọn du khách”, số lượng không cần nhiều, nhưng mang lại giá trị gia tăng cao.

Liên quan đến lĩnh vực vận tải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh cần phải cải cách mạnh mẽ và đẩy mạnh chuyển đổi xanh; trước mắt đến năm 2030 cố gắng chuyển toàn bộ sang xe buýt xanh, tiến tới xây dựng các hãng xe buýt theo tiêu chuẩn cao, cấp sao giống như khách sạn…

Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, mục tiêu của TP phấn đấu ít nhất trong 10 năm liên tục, kinh tế Thủ đô có thể tăng trưởng trên 2 con số. Điều này sẽ góp phần quan trọng tạo dựng vị thế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Và muốn hiện thực hóa được mục tiêu trên, các sở ngành cần chung nhận thức và cùng hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Chia sẻ tại hội nghị giao ban chiều 21/10, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, báo sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền sâu đậm để làm rõ những kết quả đạt được cũng như định hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế của Thủ đô từ đầu năm 2024 và thời gian tới.

Cũng theo Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi, báo Kinh tế và Đô thị hiện có 9 ấn phẩm, với số lượt truy cập hơn 15 triệu/tháng. Thời gian qua, báo đã hợp tác tơng đối hiệu quả với các sở ngành. Tuy nhiên trong thời gian tới, mong muốn các sở ngành tiếp tục chủ động cung cấp thông tin, làm cơ sở, tạo thuận lợi để báo thực hiện công tác tuyên truyền.

Đồng tình với kiến nghị của đại diện báo Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn, đề nghị các sở ngành chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các cơ quan báo chí của TP Hà Nội nói chung, trong đó có báo Kinh tế và Đô thị.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các cơ quan báo chí của TP quan tâm, phối hợp thông tin, tuyên truyền trên tinh thần cùng là cơ quan của Thủ đô, là nhiệm vụ chung của TP; từ đó phản ánh cho đúng, cho trúng, tránh câu view, câu like và đặc biệt là có định hướng dư luận tốt để phục vụ mục tiêu phát triển chung của Thủ đô.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-phan-dau-mot-thap-ky-tang-truong-kinh-te-dat-hai-con-so.html
Zalo