Hà Nội: Nước lũ bủa vây nhà cửa vùng 'rốn lũ' huyện Chương Mỹ
Nước sông Bùi dâng lên báo động ba và chưa có dấu hiệu dừng lại, chỉ sau 1 đêm khiến nhiều xã ở vùng 'rốn lũ' trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã chìm trong biển nước, khiến người dân vội vàng sơ tán tài sản, đắp đập ngăn nước.
Huyện Chương Mỹ được coi là "rốn lũ" của Hà Nội, thường xuyên là nơi ngập lụt đầu tiên mỗi khi có mưa bão. Những ngày qua, hàng nghìn người dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống chung với nước lũ khi mưa lớn khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê nhấn chìm nhà cửa, tài sản và đường sá.
Ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận sáng ngày 11/9, tại huyện Chương Mỹ, nhiều khu vực tại xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ ngập sâu. Dòng nước xiết sau khi vượt qua đê Bùi dần nhấn chìm đồng ruộng, đường giao thông và một số căn nhà.
Một người dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết, trong đợt lũ lần này gia đình đã kịp di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Tuy nhiên vẫn rất lo lắng về điều kiện sinh hoạt trong những ngày tới, nhất là thiếu nước sạch.
Nước lũ từ sông Bùi đổ về sáng 10/9 khiến nhiều hộ dân chìm trong biển nước. Tình trạng ngập diễn ra sớm và nặng nhất với những nhà dân ở ven sông Bùi. Do nền đất thấp, nước ngập đến rốn người lớn, tràn vào nhà. Bởi vậy, ngoài việc chủ động đưa tài sản lên vị trí cao, nhiều hộ còn chủ động trang bị một chiếc xuồng phục vụ việc đi lại.
Để ứng phó với lũ dữ, thực hiện công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả, UBND huyện Chương Mỹ đã tập kết 6 xuồng máy, hai máy đẩy, bốn bè cứu sinh, 100.000 bao tải, hơn 16.000m3 đất sẵn sàng hộ đê, cứu trợ người dân khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, lúc 9 giờ sáng nay, mực nước sông Bùi đã trên mức báo động 3. Nước lên nhanh khiến đê Bùi 2 bị tràn. Hiện, có 5 xã với 9 thôn, 450 hộ dân và 1.200 nhân khẩu bị ngập. Huyện đã sơ tán 361 hộ ở 4 thôn.
“Nếu mưa tiếp diễn, dự kiến trong 2 - 3 ngày tới, nước sông Bùi sẽ lên 7,4m và nguy cơ ngập ở 22 thôn của 8 xã. Số nhân khẩu dự kiến bị ngập khoảng 3.500 nhân khẩu (tương ứng 2.800 hộ). Hiện, địa phương đang chỉ đạo các xã thực hiện phương án ứng phó “4 tại chỗ”, trong đó bảo đảm nhu cầu về thực phẩm, thuốc men…” - ông Nguyễn Anh Đức nói thêm.
Lực lượng chức năng thực hiện trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng, chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn; kịp thời phát hiện, xử lý sự cố về đê điều: sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng.