Hà Nội: Nhiều dự án giao thông nghìn tỷ chậm tiến độ cả chục năm

Sau nhiều năm được phê duyệt đầu tư với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều công trình giao thông trọng điểm tại Hà Nội vẫn ngổn ngang, thi công cầm chừng, kéo dài hết năm này qua năm khác.

Dự án chậm hơn một thập kỷ, đường vẫn bụi mù, ngổn ngang

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, với tổng kinh phí gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2010–2013. Tuy nhiên, sau nhiều năm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dự án chỉ mới được tái khởi động từ cuối năm 2024.

QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi vẫn ngổn ngang sau nhiều năm gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi vẫn ngổn ngang sau nhiều năm gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

Ghi nhận của phóng viên Báo Xây dựng cho thấy, đến thời điểm hiện tại, công trường vẫn ngổn ngang, bụi bặm, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Hiện trạng này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây lãng phí lớn khi dự án bị chậm tiến độ hơn 10 năm. Công tác thi công diễn ra chậm chạp, nhiều khu vực đã biến thành điểm tập kết rác thải, làm xấu mỹ quan đô thị.

Điều đáng lo ngại là dù lưu lượng phương tiện qua khu vực rất lớn, nhưng việc cảnh báo chỉ được thực hiện sơ sài bằng dây căng tạm bợ, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông – nhất là vào ban đêm – luôn hiện hữu.

Ông Nguyễn Hoàng (63 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì) bức xúc: “Hơn một năm trước, gia đình tôi đã bàn giao hơn 40m² đất để thực hiện dự án. Khi ấy, ai cũng hy vọng việc nâng cấp tuyến đường sẽ giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Nhưng đến giờ, công trình vẫn dang dở, trời nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, cực kỳ khổ sở”.

Không xa đó, Dự án xây dựng đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 3,5km được phê duyệt từ năm 2012, khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “lụt” tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng diễn ra ì ạch, nhà thầu chưa có mặt bằng sạch để triển khai.

Theo tìm hiểu, để mở rộng đường Tam Trinh, chính quyền địa phương cần thu hồi hơn 54.000m² đất, liên quan đến 1.590 hộ dân và 20 tổ chức thuộc ba phường: Hoàng Văn Thụ, Yên Sở và Mai Động (quận Hoàng Mai). Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ kể từ lễ khởi công, dự án mới chỉ mở rộng được khoảng 300m đoạn trước chung cư Home 987 Tam Trinh, gần đường Vành đai 3.

Tại khu vực này, dải phân cách giữa đường đã được trồng hoa, cây xanh. Song do chưa hoàn thiện đồng bộ, một phần lòng đường bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe ô tô. Một số đoạn đường đã được láng nhựa thì lại bị người dân lấn chiếm làm nơi tập kết máy móc, phế liệu. Trong khi đó, đường Tam Trinh có mật độ giao thông lớn, lòng đường hẹp, hàng trăm hộ dân kinh doanh hai bên càng khiến việc di chuyển thêm khó khăn.

“Đường Tam Trinh khi hoàn thiện sẽ giúp giảm tải cho các tuyến cửa ngõ phía Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội. Nhưng nhiều năm nay, chúng tôi vẫn phải chật vật đi lại trên con đường dang dở”, chị Nguyễn Phương (quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La (Hà Đông) đi Xuân Mai (Chương Mỹ) được khởi công từ năm 2022, với tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và thời hạn hoàn thành vào năm 2027.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, ghi nhận tại hiện trường cho thấy nhiều đoạn vẫn thi công chậm, cảnh báo sơ sài, trời mưa thì lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt. Quốc lộ 6 là tuyến giao thông trọng yếu dài gần 40km, kết nối trung tâm Hà Nội với các quận, huyện phía Tây và là trục chính đi Hòa Bình. Một số đoạn đã được lu nền, rải đá, làm cầu cống nhưng nhìn chung, tiến độ vẫn rất ì ạch. Hiện chỉ có đoạn qua xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) là cơ bản hoàn thành.

Nhà thầu thi công làm đường QL6 đoạn qua Chương Mỹ.

Nhà thầu thi công làm đường QL6 đoạn qua Chương Mỹ.

Giao trách nhiệm rõ ràng từng địa phương

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thi công ba dự án trọng điểm nói trên.

Theo đó, thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc điều chỉnh gia hạn tiến độ, phấn đấu hoàn thành đúng theo kế hoạch đã phê duyệt.

Cụ thể, Dự án cải tạo QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai hoàn thành năm 2027. Dự án cải tạo QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi hoàn thành năm 2025. Dự án xây dựng đường Tam Trinh hoàn thành năm 2026.

Chủ đầu tư các dự án phải khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết các hạng mục còn lại, gắn với trách nhiệm từng đơn vị liên quan và báo cáo định kỳ tiến độ với UBND Thành phố. Sở Xây dựng được giao theo dõi, chỉ đạo đưa ba dự án vào danh sách “làn xanh” để ưu tiên thực hiện.

Thành phố cũng giao UBND quận Hoàng Mai - chủ đầu tư đồng thời là đơn vị giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh - phải đẩy nhanh thi công trên toàn bộ mặt bằng đã thu hồi; khẩn trương thẩm định, phê duyệt phương án đền bù cho 400 hộ còn lại.

UBND huyện Thanh Trì được giao thu hồi mặt bằng hai phương án thuộc xã Ngọc Hồi xong trong tháng 5/2025 để bàn giao thi công tuyến QL1A.

Tại huyện Chương Mỹ, nơi thực hiện dự án QL6, thành phố yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc thu hồi 33,94ha đất còn lại trong năm 2025, ưu tiên bàn giao sớm mặt bằng thi công cầu Mai Lĩnh. Đồng thời, hai khu tái định cư Đồng Giải và Đồng Chằm phải hoàn thành lần lượt vào tháng 6 và trong năm 2025.

UBND quận Hà Đông cũng phải báo cáo chi tiết nguyên nhân chưa hoàn thành GPMB dự án QL6 trên địa bàn, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

Các sở, ngành như Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường được yêu cầu hỗ trợ tích cực để không có bất kỳ vướng mắc nào tiếp tục gây chậm trễ cho ba dự án này.

Lê Tươi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-nhieu-du-an-giao-thong-nghin-ty-cham-tien-do-ca-chuc-nam-192250514114148442.htm
Zalo