Hà Nội: Nhiều cơ sở sát hạch lái xe thiếu thí sinh
Nhiều cơ sở sát hạch giấy phép lái xe tại Hà Nội thiếu thí sinh, nhiều người xin lùi lịch vì chưa đủ tự tin.
Triển khai cao điểm tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe, mỗi ngày, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội có thể thành lập 5-7 hội đồng thi. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo lại gặp khó khăn khi số lượng thí sinh đăng ký còn thấp, nhiều người xin lùi lịch vì chưa đủ tự tin.

Thí sinh chờ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô tại một trung tâm sát hạch ở Hà Nội. Ảnh: TA
Trước nhu cầu sát hạch cấp giấy phép lái xe của người dân Thủ đô gia tăng, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm, huy động tối đa nguồn lực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc tổ chức các kỳ thi sát hạch lại đang gặp nhiều khó khăn từ phía các cơ sở đào tạo.
Theo kế hoạch, mỗi ngày, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tổ chức từ 5-7 hội đồng thi. Mỗi hội đồng đáp ứng khoảng 250-350 học viên sát hạch lái xe ô tô và từ 300-500 học viên sát hạch mô tô, tương đương từ 2.000-3.000 học viên một ngày.
Tuy nhiên, khi thực hiện thành lập các hội đồng thi lại gặp khó khăn do nhiều cơ sở đào tạo chưa lập được danh sách học viên đủ số lượng tối thiểu theo kế hoạch. Một số hội đồng chỉ có dưới 200 học viên đăng ký thi, khá thấp so với kỳ vọng và năng lực tổ chức hiện có.

Các thí sinh bước vào phần thi thực hành. Ảnh: TA
Ghi nhận tại Trung tâm sát hạch lái xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô số 2 cho thấy, để tổ chức được hội đồng với hơn 300 học viên dự sát hạch, trung tâm gặp khá nhiều khó khăn. Bà Tạ Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi có thể sát hạch từ 300 đến 400 học viên mỗi ngày, toàn bộ công tác chuẩn bị đã đầy đủ theo quy định”.
Tuy nhiên, theo bà Phương, trung tâm lại gặp khó khăn trong việc lập danh sách với số lượng lớn, nguyên nhân một phần do nhiều học viên chưa sẵn sàng tâm lý dự thi. “Thời gian giữa lúc học xong và được thông báo thi kéo dài khiến thí sinh mất tự tin, có người còn xin thi đợt sau vì đi du lịch, bận việc gia đình hoặc chưa ôn kịp lý thuyết”, bà Phương nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Trần Quang Huy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Thái An, chia sẻ: “Sau khi được thông báo kế hoạch thi, chúng tôi chủ động lập danh sách và gọi điện cho từng học viên. Nhưng người thì báo không thể có mặt theo lịch, người lại đề nghị lùi lịch để ôn luyện thêm, khiến danh sách sát hạch không đủ số lượng như mong muốn”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông giám sát quá trình sát hạch của thí sinh. Ảnh: TA
Thực tế cũng ghi nhận tâm lý chờ đợi, “nghe ngóng” của một bộ phận học viên khi công tác sát hạch được chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải trước đây sang Bộ Công an.
Chị Nguyễn Uyển Nhi (phường Kiến Hưng) cho biết, chị khá lo lắng về phần thực hành. “Tôi xin lùi lịch hai tuần để bổ túc, hôm nay mới đủ tự tin thi”, chị Nhi nói.
Một thí sinh khác chia sẻ: “Tôi muốn có giấy phép lái xe sớm để phục vụ công việc nhưng vẫn muốn chờ xem các kỳ thi đầu do cảnh sát giao thông tổ chức diễn ra thế nào. Tôi tranh thủ ôn lại cả lý thuyết lẫn tay lái”.
Tương tự, chị Thu Hiền (phường Nghĩa Đô) cho biết, chị xin lùi sang tháng 8-2025 vì thấy nhiều người trượt, mà bản thân cũng bị mai một kiến thức, thi ngay thì chắc chắn không đạt.
Từ thực tế này, các trung tâm đã nhanh chóng đưa ra giải pháp. Ông Trần Quang Huy cho biết, Trung tâm Thái An đã yêu cầu giáo viên tăng cường bổ túc, hỗ trợ ôn tập cho học viên đủ điều kiện, hạn chế việc tồn đọng do thí sinh e ngại thi sớm.
Về phía Phòng Cảnh sát giao thông, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và thí sinh, đơn vị đã công khai lịch tổ chức sát hạch hằng tuần, trong đó ghi rõ thời gian, loại hình sát hạch. Việc công bố lịch giúp các đơn vị chủ động đăng ký, gửi danh sách học viên đủ điều kiện dự thi đúng tiến độ, đồng thời bảo đảm năng lực tổ chức sát hạch được khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.