Hà Nội - nguồn cảm hứng bất tận của sân khấu
Liên hoan sân khấu Thủ đô mở rộng sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10-11.
Các nhà hát đang chuẩn bị những kịch mục tiêu biểu nhất nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm về đất và người Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất nghìn năm văn hiến với biết bao thăng trầm đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo quan trọng của sân khấu, cũng là đề tài mà người xem luôn kỳ vọng, ngóng trông những ý tưởng mới, cách thức thể hiện mới.
Tri ân những người con Hà Nội
NSND Thu Huyền - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô mở rộng với vở “Người hát ả đào”. Cuối tháng 8-2024, vở diễn do tác giả Bùi Vũ Minh viết kịch bản, NSND Hoài Thu đạo diễn này đã được ra mắt khán giả Thủ đô và sẽ có một số suất diễn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại rạp Đại Nam.
“Người hát ả đào” ca ngợi những con người bình dị, lặng thầm, một lòng ủng hộ Việt Minh: Những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, nghệ sĩ, trí thức... Bên cạnh việc lựa chọn các diễn viên trẻ, tài năng, đạo diễn NSND Hoài Thu còn trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết, từ thiết kế mỹ thuật đến âm nhạc.
Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng đã sẵn sàng với vở “Lý Thường Kiệt”, tái hiện quãng thời gian vị danh tướng của nhà Lý lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. “Ông là một người con của Thăng Long, có nhiều công lao với dân tộc. Vở diễn như lời tri ân của chúng tôi với bậc tiền nhân” - NSND Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở cải lương “Lý Thường Kiệt” cho biết.
Có thể thấy, đề tài về những người con Hà Nội xưa nay luôn được các nhà hát, nhất là các nhà hát truyền thống như tuồng, chèo, cải lương dành cho sự quan tâm đặc biệt. Có thể kể đến vở chèo “Bài ca giữ nước” ("Lý Nhân Tông kế nghiệp") - vở diễn kinh điển của tác giả Tào Mạt, vở cải lương “Luận anh hùng” nói về Thái sư Trần Thủ Độ - người khởi nghiệp nhà Trần, vở cải lương “Vua thánh triều Lê” kể câu chuyện vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, vở chèo “Trung trinh liệt nữ” kể về công chúa An Tư - một người con gái nhà Trần dám hy sinh để bảo vệ Thăng Long, vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” với hình ảnh Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, giữ trọn nghĩa khí...
Những vở diễn này luôn đề cao tình yêu quê hương đất nước, ngợi ca những điều cao đẹp, ý chí quật cường của ông cha ta trong cuộc chiến chống ngoại xâm. NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội chia sẻ: “Chính vì lịch sử oai hùng của dân tộc đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi chúng ta nên khi được dựng lại những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, ca ngợi những danh thần, những con người một lòng vì dân vì nước, các nghệ sĩ khi được tham gia đều cảm thấy có sự thôi thúc, có trách nhiệm trong đó”.
Còn nhiều băn khoăn
Đề tài lịch sử có thể ví như mảnh đất đầy tiềm năng cần sự khai phá. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia sân khấu, đề tài lịch sử không nên chỉ “loanh quanh” trong những nhân vật quá quen thuộc mà cần mở rộng biên độ, đi sâu vào số phận, cá tính... Cũng có thể từ một số chi tiết, tình tiết nhỏ trong huyền sử, người viết kịch kết nối những chi tiết ấy vào nhau, tạo nên câu chuyện với những thông điệp mới.
Với mong muốn những tác phẩm sân khấu phải tạo ra sự khác biệt, cách đón nhận cởi mở và cách tiếp cận không giới hạn, nhà viết kịch Lê Chí Trung thẳng thắn thừa nhận: “Tác phẩm về đề tài lịch sử còn bó hẹp. Chúng ta vẫn chưa mở đường cho sự sáng tạo, cho nhiều góc nhìn khác nhau về đề tài lịch sử. Bởi vì có những tác phẩm thể hiện góc nhìn mới về lịch sử thì người ta bắt đầu e ngại, thường nghĩ đến tính an toàn. Người ta ngại những cái nhìn mới, những đánh giá của người đương thời về những vấn đề, những nhân vật lịch sử”.
Trong khi đề tài lịch sử đông đảo về số lượng thì mảng đề tài hiện đại lại trở thành chủ đề bàn luận, lo lắng trong nhiều kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu tại Thủ đô bởi sự thiếu vắng. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từng nêu ý kiến: "Hằng năm, ngoài đề tài lịch sử, nhà hát luôn tìm kiếm những đề tài mới, đề tài hiện đại để dàn dựng. Dù có nhiều kịch bản được gửi đến hoặc được đặt hàng riêng từ các đơn vị, cá nhân nhưng kịch mục luôn không đạt chất lượng. Các tác phẩm thường vướng ở một số điểm như nội dung chưa đủ sâu, thông điệp chưa rõ ràng, xây dựng tình huống, tính cách nhân vật chưa nhất quán... Chính vì thế, đã nhiều lần tôi phải động viên anh chị em nghệ sĩ của nhà hát lên ý tưởng, cùng nhau viết và chỉnh sửa kịch bản để dàn dựng”. Qua đó, một phần nào cho thấy đội ngũ nhà viết kịch kế cận đang thưa thớt, thiếu vắng những tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ...
NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng mảng đề tài hiện đại về Hà Nội không khó, ngược lại đề tài về Hà Nội rất phong phú nhưng xây dựng những tác phẩm sân khấu về Hà Nội luôn đòi hỏi sự tinh tế. “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mình tìm câu chuyện phù hợp, đâu chỉ có lịch sử thì mới nói được về Hà Nội. Tôi đã thành công trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất với kịch bản hiện đại “Hà Nội gió mùa”, do PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chuyển thể từ truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê. Hãy bắt đầu với nguồn tư liệu trong văn học, bởi Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận của văn học”.