Hà Nội: Ngổn ngang vi phạm trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai
Công trình vi phạm trật tự xây dựng được 6 cán bộ 'làm ngơ' chỉ là phần nhỏ trong mớ 'hỗn độn' các sai phạm trật tự xây dựng, đô thị tại quận Hoàng Mai...
Loạt vi phạm công khai suốt thời gian dài
Tháng 3 vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội bắt tạm giam 6 cán bộ thuộc UBND các phường Thanh Trì, Hoàng Liệt và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai vì hành vi nhận hối lộ gần 1 tỷ đồng để làm ngơ cho hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng. Những người lẽ ra có trách nhiệm bảo vệ kỷ cương đô thị lại trực tiếp tiếp tay cho sai phạm, biến vi phạm thành cơ hội trục lợi cá nhân.
Sự việc một lần nữa cho thấy những kẽ hở trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng – lĩnh vực vốn dĩ nhạy cảm, gắn chặt với nhu cầu phát triển hạ tầng, dân cư và áp lực đô thị hóa nhanh. Các công trình sai phép, vượt phép, xây dựng không phép không chỉ ở các khu dân cư cũ mà cả trong những khu đô thị mới. Dù hệ thống pháp luật về xây dựng, đất đai đã tương đối đầy đủ, song tình trạng vi phạm vẫn tái diễn.
Thực trạng này không phải là hiện tượng nhất thời, càng không dừng lại ở một vài địa bàn đơn lẻ. Nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện nay.
Tại phường Vĩnh Hưng, dọc đường Tân Khai có hơn chục địa điểm gửi xe đang hoạt động ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Các bãi xe bên ngoài được quây tôn, bên trong là hàng chục xe lớn nhỏ, xen kẽ các nhà kho, gara ô tô.


Tồn tại nhiều bãi xe không phép trên địa bàn phường Vĩnh Hưng. (Ảnh: Khánh Vi)
Dọc đường Vĩnh Hoàng, một số thửa đất bị quây tôn kín mít, không biển hiệu, không bảng thông báo. Thế nhưng phía bên trong, lại là những căn nhà tạm bằng khung thép đang được dựng lên, có đoạn chiều ngang chỉ khoảng 2m, có dấu hiệu không được cấp phép xây dựng hay sử dụng đúng quy hoạch.

Một số thửa đất bị quây tôn kín mít, không biển hiệu, không bảng thông báo, có dấu hiệu không được cấp phép xây dựng tại phường Vĩnh Hưng. (Ảnh: Khánh Vi)
Phóng viên đã có mặt tại phường Thịnh Liệt và ghi nhận hàng nghìn m2 đất nông nghiệp dọc tuyến đường mới KĐT Đồng Tàu bị vùi lấp bởi phế thải xây dựng và rác sinh hoạt. Người dân địa phương lo ngại chỉ trong thời gian ngắn, những khu vực bị san lấp này sẽ bị biến thành bãi đỗ xe, nhà xưởng hoặc điểm tập kết vật liệu xây dựng.


Tình trạng sử dụng phế thải san lấp đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến tại quận Hoàng Mai. (Ảnh: Khánh Vi)
Tại khu đô thị Ao Sào, tình trạng cơi nới, cải tạo trái phép đang diễn ra tràn lan. Nhìn từ trên cao, dễ dàng nhận thấy hàng loạt căn nhà bị cơi nới mái tôn, dựng thêm tum, giàn sắt phủ kín sân thượng. Nhiều căn hộ còn xây thêm mái hiên, khung sắt, thậm chí làm lồng thép kiên cố, phá vỡ quy hoạch kiến trúc chung, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn kết cấu.

Hàng loạt căn nhà bị cơi nới mái tôn, dựng thêm tum, giàn sắt phủ kín sân thượng gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh: Khánh Vi)

Những căn nhà mái tôn vừa mới được hoàn thành bên cạnh ruộng rau. (Ảnh: Khánh Vi)
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên nhiều lần ghi nhận phản ánh của người dân địa phương: “Chúng tôi chỉ sửa mái hiên, xây vài cái cọc là cán bộ phường biết ngay. Nhưng không hiểu sao có những công trình vi phạm cả trăm mét vuông vẫn cứ hoàn thiện suôn sẻ”.
Thực trạng trên cho thấy, vi phạm trật tự đô thị không nằm ở chỗ thiếu quy định, mà nằm ở khâu thực thi và giám sát tại cơ sở. Khi lực lượng chức năng thiếu kiểm tra thường xuyên, hoặc buông lỏng trách nhiệm, thì các vi phạm có thể “sống khỏe” giữa ban ngày trở thành phần chìm của tảng băng kéo dài qua nhiều năm.
Không để tái diễn những “bài học đau xót”
Chiều 3/4, tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2025, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã thừa nhận những thách thức trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh quận đang chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính.
Theo ông Tâm, quận Hoàng Mai hiện có gần 4.020ha đất tự nhiên, trong đó khoảng 21% là đất nông nghiệp. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, nhu cầu về đất đai, nhà ở ngày càng lớn. Thống kê cho thấy từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn quận còn tồn tại gần 3.000 trường hợp vi phạm cần xử lý, với tổng diện tích hơn 68ha.
Từ năm 2020 đến nay, quận đã xử lý 119 vụ vi phạm trật tự xây dựng, hơn 800 trường hợp vi phạm đất đai, xử lý kỷ luật 14 tập thể và 43 cá nhân. Ông Tâm cho biết, quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tập trung vào các địa bàn “nóng”. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy tình trạng vi phạm tiếp diễn, có chiều hướng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch và làm suy giảm hiệu lực quản lý Nhà nước.
“Chúng tôi xác định vụ việc ở phường Thanh Trì là bài học đau xót trong công tác quản lý cán bộ, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với nhiều đơn vị, nhất là trong giai đoạn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” – Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định.
Từ nay đến hết tháng 6/2025 - thời điểm hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính, UBND quận Hoàng Mai xác định đây là giai đoạn “nhạy cảm”, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận. Quận cam kết tăng cường kiểm tra, yêu cầu báo cáo hằng ngày từ các phường, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh và đặc biệt sẽ kỷ luật nghiêm cán bộ nếu để xảy ra sai phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý.
Có thể thấy, những gì đang diễn ra tại Hoàng Mai không còn là câu chuyện riêng của một địa phương, mà là tấm gương phản chiếu những lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng ở các đô thị lớn. Dư luận mong mỏi sớm được cụ thể hóa bằng hành động mạnh tay, dứt khoát, để lập lại kỷ cương đô thị vốn đã bị xô lệch quá lâu.
Thời gian qua, trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị… diễn ra tại một số địa phương, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi một số địa phương chỉ đạo yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát, làm rõ thông tin phản ánh; xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Thành ủy Hà Nội.