Hà Nội nghiên cứu miễn phí ăn trưa cho học sinh
UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu triển khai miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh theo nhiệm vụ được Tổng Bí Thư Tô Lâm giao.
Thông tin trên được đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chia sẻ tại buổi thảo luận tổ, Quốc hội khóa XV mới đây về dự thảo nghị quyết miễn giảm học phí với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ông Tuấn cho hay, bên cạnh các chính sách miễn giảm học phí, cuối tháng 4, Tổng Bí thư Tô Lâm giao thêm nhiệm vụ cho thành phố tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh. UBND thành phố đang nghiên cứu, báo cáo Thành ủy và HĐND để triển khai chủ trương nhân văn, có ý nghĩa thiết thực nêu trên.
Thành phố Hà Nội cũng rất trách nhiệm trong việc thực hiện các chủ trương về giáo dục - đào tạo. Không chỉ thực hiện trong địa bàn mình, Hà Nội còn hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác trong việc xây dựng trường học, sửa chữa các cơ sở còn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội.
Về miễn học phí, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu chúng ta làm tốt việc miễn học phí và phổ cập giáo dục trẻ 3-5 tuổi sẽ có ý nghĩa rất lớn về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Thời gian qua, Hà Nội dành nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cụ thể, nhiệm kỳ vừa qua đầu tư 49.200 tỷ đồng, nhiệm kỳ hiện tại là 41.000 tỷ đồng cho việc thực hiện các hạng mục về di tích lịch sử, cơ sở y tế, đặc biệt là xây dựng trường công lập, cơ sở giáo dục.
Nếu tính cả các quận, huyện, tổng cộng thành phố dành gần 100.000 tỷ đồng cho giáo dục - đào tạo trong 2 năm liên tiếp qua.
Ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19, Hà Nội dành hơn 1.000 tỷ đồng để miễn học phí cho các đối tượng người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, HĐND thành phố đã ban hành các nội dung liên quan đến miễn, giảm học phí cho một số nhóm học sinh với tổng số tiền khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo Nghị quyết mới, dự kiến thành phố Hà Nội cần khoảng 1.800 tỷ đồng.
“Chính sách hỗ trợ học phí lần này không chỉ áp dụng với các trường công lập mà còn cả trường dân lập và tư thục, hướng đến chi trả trực tiếp cho người học là nội dung phù hợp. Thành phố Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu triển khai sớm nội dung này”, đại biểu nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie nhận định, việc miễn phí ăn trưa cho học sinh là chính sách “hợp lòng dân, hợp xu thế phát triển giáo dục hiện đại”. Nếu được thực hiện hiệu quả, chính sách không chỉ cải thiện dinh dưỡng học sinh mà còn góp phần thay đổi văn hóa giáo dục - coi học sinh là trung tâm, đặt sự phát triển toàn diện của trẻ lên hàng đầu.
“Nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng chính sách bữa ăn học đường như một phần trong hệ thống an sinh giáo dục. Chủ trương này nên triển khai theo hình thức cuốn chiếu: ưu tiên cho học sinh tiểu học, vùng khó khăn trước, sau đó mở rộng dần. Đầu tư cho bữa ăn là đầu tư cho con người, cho tương lai”, TS Lê Viết Khuyến, Hội Khuyến học Việt Nam cho hay.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, để triển khai chính sách này trên cả nước, Việt Nam cần có bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chống lãng phí, chống tiêu cực, từ đó “dư sức” chăm lo cho bữa ăn, học phí, chất lượng học sinh cũng sẽ nâng lên.