Hà Nội nâng tầm sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP
Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhiều nhất của cả nước. Điều này không chỉ giúp Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn mà còn giữ gìn bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Với lợi thế có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước, Hà Nội là "cái nôi'" tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Nhằm phát huy tiềm năng và lan tỏa thương hiệu này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu... đưa sản phẩm OCOP vươn xa để du khách đến Hà Nội càng thêm yêu quý con người, văn hóa và sản vật Thủ đô.
Hà Nội với lợi thế có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước - đây là "cái nôi" tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP.
Về ẩm thực, người Hà Nội có nhiều bí quyết chế biến đạt trình độ tinh hoa ẩm thực, có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế to lớn, tạo bản sắc văn hóa đáng tự hào.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước); trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao, dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có làng nghề đúc đồng nổi tiếng với lịch sử ra đời cách đây 400 năm- làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), được hình thành từ thế kỷ XVII và được coi là một trong "tứ nghệ" tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa.
Để phát huy truyền thống do cha ông để lại những người thợ làng Ngũ Xã hôm nay luôn ấp ủ niềm đam mê, tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc đồng với mong muốn giữ nghề và đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Tiêu biểu nhất ở làng Ngũ Xã hiện nay là gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh - gia đình duy nhất hiện nay có tới 4 thành viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội".
Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã của gia đình bà Minh đang sản xuất hàng trăm sản phẩm đúc đồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, được chế tác công phu với hoa văn, họa tiết cổ truyền tinh xảo...
Đặc biệt, theo nghệ nhân Bùi Thị Minh, năm 2021, gia đình có hai sản phẩm là đôi đèn Tứ Linh và lọ Song Ngư đã được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng giành giải cao trong các kỳ thi kỹ năng thủ công tinh xảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam.
Tính đến hết năm 2024, cả nước có gần 15.000 sản phẩm OCOP; trong đó, Hà Nội có 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% tổng số sản phẩm của cả nước). Thế nhưng, Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Việc phấn đấu để có sản phẩm OCOP 5 sao đối với các chủ thể là vô vàn khó khăn bởi rất nhiều rào cản.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) cho biết, đầu năm 2023, công ty đã có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương công nhận đạt 5 sao.
Ngoài ra còn một số sản phẩm khác, như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ sen, khăn lụa tơ tằm dệt nổi hoa sen, gối kết hôn tơ sen… đã được thành phố đánh giá, phân hạng 4 sao.
Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP được công nhận, hàng năm, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng được 16 trung tâm sáng tạo, thiết kế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề; phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện vào tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, để nâng tầm sản phẩm OCOP và lan tỏa thương hiệu, trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, nổi bật là các sự kiện Tuần hàng nông sản, sản phẩm OCOP và làng nghề.... đến người tiêu dùng và du khách.