Hà Nội nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, thủy sản

Ngày 27/12, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa), thủy sản tại các vùng trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2024.

Sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đã tăng tỷ lệ đàn bò lai có tầm vóc, năng suất, chất lượng tốt, nâng cao giá trị sản xuất. Cụ thể, đàn bò sữa tập trung phát triển ở các xã trọng điểm tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm… sản lượng sữa trung bình là 5.000 kg/con/chu kỳ 305 ngày. Đối với đàn bò cái sinh sản, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái trong diện sinh sản hiện nay đạt 80%, tỷ lệ đàn bò cái nhóm Zebu trên địa bàn thành phố đạt trên 92%; đã có trên 10.000 con bò F1 Wagyu được sinh ra.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), với diện tích NTTS đạt 24.700ha, Hà Nội đã phát triển các vùng NTTS tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 132.344 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 13,6% so với năm 2020.

Nuôi trồng thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì.

Nuôi trồng thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì.

Thành phố cũng đã hình thành 141 vùng NTTS tập trung quy mô lớn tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì, Sóc Sơn... có 20 cơ sở sản xuất nhân tạo giống thủy sản, sản lượng giống đạt 1.460 triệu cá giống các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu người nuôi của thành phố và xuất cho một số tỉnh lân cận.

Đáng ghi nhận, trên địa bàn thành phố đã hình thành rõ nét chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi sữa IDP, chuỗi sữa Vinh Nga; chuỗi thịt bò của Công ty Đông Thành; chuỗi thịt bò của Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi; chuỗi thủy sản thương phẩm của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng.

Cùng với tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội còn chú trọng công tác tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi, người NTTS. Theo đó, trung tâm đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 750 lượt hộ chăn nuôi bò thịt, bò sữa về quản lý đàn, kỹ thuật chăm sóc, dinh dưỡng và phòng chống các bệnh thường gặp trên đàn bò sữa, bò thịt; kiến thức về lai tạo giống, lựa chọn các con giống và các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xử lý môi trường trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa.

Cùng với đó, trung tâm tổ chức 15 lớp tập huấn cho 750 lượt người là đại diện các tổ chức, cá nhân tại các vùng NTTS tập trung; tổ chức 2 khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ thú y trên đàn bò cho 60 lượt cán bộ kỹ thuật là cán bộ thú y tại các xã chăn nuôi bò thịt, bò sữa trọng điểm; 1 khóa đào tạo nâng cao cho 30 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò thịt, bò sữa; tổ chức 2 khóa đào tạo chuyên sâu cho 60 lượt cán bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản tại cơ sở. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức đoàn thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Ánh Ngọc

Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Ánh Ngọc

Đáng chú ý, Trung tâm tham mưu Sở NN&PTNT và thành phố tổ chức thành công Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội. Thông qua hội thi, các sản phẩm giống bò thịt chất lượng cao, cũng như các xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm của TP đã được giới thiệu đến người chăn nuôi cả nước, qua đó gián tiếp thúc đẩy hình thành chuỗi, phát triển thương hiệu và gia tăng hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Đánh giá về kết quả thực hiện, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc triển khai kế hoạch nói trên còn giúp nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y tại cơ sở. Đồng thời, cung cấp sản phẩm chăn nuôi, thủy sản an toàn được kiểm soát cho người tiêu dùng; tận dụng được diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi…

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-nang-cao-nang-suat-chat-luong-giong-vat-nuoi-thuy-san.html
Zalo