Hà Nội nâng cao chất lượng y tế công lập và giáo dục nghề nghiệp

UBND TP. Hà Nội đã ban hành 2 Kế hoạch trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh công lập và giáo dục nghề nghiệp, hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030” và Kế hoạch số 115/KH-UBND về thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035”.

Ảnh minh họa.

Theo Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030”, UBND Thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện với 8 nội dung, trong đó: Thực hiện rà soát, sắp xếp hệ thống khám chữa bệnh Thủ đô theo 3 cấp khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện đảm nhận chức năng vùng gồm tổ chức lại các bệnh viện;

Xây dựng 4 Đề án: Sắp xếp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh Thủ đô theo 3 cấp là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu; thành lập 4 bệnh viện thực hiện chức năng khám bệnh chữa bệnh cơ bản tại các khu vực: Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm;

phát triển 4 bệnh viện đảm nhận chức năng vùng; thành lập các bệnh viện chuyên khoa và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Thực hiện phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức, với cơ cấu và phân bố hợp lý: Phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nâng cao chất lượng các kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh: Kế hoạch hỗ trợ chuyên môn cho các cấp khám chữa bệnh trên địa bàn; phát triển các Trung tâm chuyên khoa sâu thực hiện kỹ thuật cao thuộc các bệnh viện; ban hành Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thủ đô để được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Thủ đô.

Chuyển đổi số toàn diện hướng tới y tế thông minh: Xây dựng hệ thống quản lý điều hành y tế tập trung; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu mở ngành Y tế; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chuyên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng dữ liệu tập trung tiến tới kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng và triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế cho các trạm y tế; triển khai các ứng dụng cung cấp các dịch vụ theo dõi, cảnh báo, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa và cán bộ y tế; xây dựng hệ thống báo động đỏ; triển khai ứng dụng bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp cơ sở kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Đồng thời, tham mưu phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế để phát triển các bệnh viện thực hiện chức năng vùng phù hợp quy hoạch màng lưới cơ sở y tế.

Trong khi đó, Kế hoạch số 115/KH-UBND về thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035” xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện theo lộ trình như sau:

Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp như thực hiện thường xuyên theo yêu cầu nội dung cung cấp thông tin định kỳ về các hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kết quả thực hiện Đề án cho Sở Văn hóa và Thể Thao, các cơ quan báo chí để thực hiện thông tin, tuyên truyền;

Mở rộng quy mô, đổi mới và đa dạng hóa các phương thức truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, các sở, ban, ngành, chính quyền cơ sở, các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chú trọng thông tin, tuyên truyền trên các ấn phẩm, phương tiện truyền thông của các cơ quan báo chí chủ lực, có lượng độc giả lớn, hiệu ứng truyền thông cao; lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác giáo dục nghề nghiệp của Thành phố trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và các nền tảng số, trong đó, hoàn thành ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp theo giai đoạn và cụ thể từng năm với các nội dung và hình thức truyền thông rõ ràng trong quý II/2025.

Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trong giai đoạn 2025 - 2030 và tổ chức đa dạng các chương trình, hoạt động, cuộc thi, tọa đàm, phóng sự, truyền hình, quảng cáo…

Bên cạnh đó, mở rộng quy mô các hoạt động mang tính lan tỏa như tuyên dương, khen thưởng học sinh sinh viên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo, doanh nghiệp thường xuyên theo yêu cầu.

Thực hiện nhóm nhiệm vụ về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Năm 2026, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ, tay nghề cao vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cho cán bộ, nhà giáo chủ chốt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại nước ngoài theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng cho lãnh đạo quản lý và đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh liên doanh, liên kết hợp tác quốc tế: Tháng 5/2025, ban hành văn bản hướng dẫn các trường cao đẳng, trung cấp công lập về trình tự, thủ tục trong việc sử dụng tài sản công của đơn vị vào hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định;

Tháng 6/2025, tổ chức tập huấn cho lãnh đạo chủ chốt các trường cao đẳng, trung cấp công lập về việc sử dụng tài sản công của đơn vị vào hoạt động liên doanh, liên kết; trong năm 2025, các trường cao đẳng, trung cấp công lập xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công trong liên doanh, liên kết.

Ngoài ra, thực hiện các nhóm nhiệm vụ như: xây dựng, hoàn thiên cơ chế, chính sách đặc thù; đất đai, cơ sở vật chất; rà soát, sắp xếp và đổi tên các trường cao đẳng, trung cấp công lập; xây dựng mô hình hoạt động đối với các trường công lập; công tác tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các trường công lập.

Riêng nhóm nhiệm vụ về công tác tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các trường công lập thực hiện xây dựng lộ trình tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đến năm 2030 đối với Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội giao các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Đề án nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp Thủ đô.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch và Đề án theo quy định.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chủ trì, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tham mưu triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch và Đề án.

Nhật Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-nang-cao-chat-luong-y-te-cong-lap-va-giao-duc-nghe-nghiep-d273645.html
Zalo