Hà Nội luôn đặt an toàn của người dân lên hàng đầu

Với sự chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống bão số 3, luôn đặt an toàn của người dân lên hàng đầu, thành phố Hà Nội đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp, không chủ quan với các tình huống sau mưa bão, khẩn trương khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân.

Quận Hoàng Mai tổ chức di dời 160 người dân tại chung cư A7 Tân Mai đến nơi an toàn. Ảnh: Hiền Thu

Quận Hoàng Mai tổ chức di dời 160 người dân tại chung cư A7 Tân Mai đến nơi an toàn. Ảnh: Hiền Thu

Bảo đảm an toàn cho người dân là số một

Những thông tin về cơn bão số 3 được dự báo lớn nhất trong nhiều năm gần đây thu hút sự quan tâm lớn trong xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác chuẩn bị, ứng phó bão. Ngoài ban hành công điện, văn bản chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo các cấp đã trực tiếp đến thực địa đôn đốc, kiểm tra công tác ứng trực, di dời nhân dân ở các khu vực trọng điểm chịu ảnh hưởng của bão... Những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời này được dư luận đồng tình, đánh giá cao, mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Đối với thành phố Hà Nội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp rất sát sao và quyết liệt. Việc Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ rõ các phương án, nhiệm vụ, biện pháp cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng, chống bão số 3 đối với các cơ quan, đơn vị, sở ngành, cùng những thông tin từ các ngành chức năng về các hoạt động chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão là những biện pháp, phương án cần thiết, kịp thời nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó bão số 3 và bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản do siêu bão gây ra được dư luận đồng tình cao.

Đặc biệt, những ý kiến chỉ đạo trong cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (ngày 6-9) về các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3, trong đó nhấn mạnh “cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân” có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trực tiếp kiểm tra, động viên các lực lượng ứng trực phòng, chống bão số 3 trên địa bàn Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, toàn thành phố đã chủ động phòng chống bão với tinh thần, quyết tâm cao nhất tại địa bàn trọng điểm, xung yếu. Bí thư Thành ủy yêu cầu kiên quyết di dời người dân làng chài ở quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Đan Phượng và các nhà tập thể, nhà chung cư không an toàn. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, các quận như Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình… đã di dời người dân ở các khu vực ven sông, các nhà tập thể, chung cư cũ… đến nơi an toàn.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã trực tiếp khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đánh giá cao việc các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã xây dựng phương án chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Cụ thể như: Quận Hoàng Mai tổ chức di dời 160 người dân tại chung cư A7 Tân Mai (phường Tân Mai) - khu nhà 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C ngay trong đêm 6-9 đến Trường tiểu học Tân Mai, chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu để bảo đảm an toàn cho người dân trước khi bão đổ bộ... Và trong ngày 7-9, các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm... đã thực hiện tốt việc di dời người dân vùng chưa an toàn đến nơi an toàn.

Về cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân, trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 3, nhu cầu mua sắm thực phẩm tăng cao, người dân chủ yếu mua hàng thiết yếu để dự trữ phòng tránh bão; các siêu thị chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, kéo dài thời gian mở cửa trước khi bão số 3 đi vào đất liền, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia khắc phục sự cố mưa bão. Ảnh: Hiền Phương

Lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia khắc phục sự cố mưa bão. Ảnh: Hiền Phương

Không chủ quan sau bão

Bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội vào chiều và đêm 7-9. Cơn bão đã đi qua, nhưng trong những ngày tới, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật kịp thời thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa lũ, chủ động thông tin, tuyên truyền kịp thời đến từng tổ dân phố, khu dân cư và người dân cách phòng tránh mưa bão, xử lý các tình huống khi có mưa bão xảy ra không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước trên toàn thành phố, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm. Các địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tăng cường theo dõi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố; kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, công trình đê điều và khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các địa phương, đơn vị chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" là chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ, nhằm bảo đảm an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Thành phố Hà Nội đã yêu cầu tiếp tục thông tin thường xuyên, liên tục diễn biến của cơn bão, dự báo đường đi, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó giông lốc, sấm sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại sau cơn bão số 3.

Các địa phương, cơ sở cũng tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Đồng thời, cần nắm tình hình, định hướng về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phát sinh; không để hình thành các điểm nóng, góp phần quan trọng bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, sau khi cơn bão số 3 kết thúc, các cấp, các ngành của thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, kịp thời xử lý các sự cố, tình huống phát sinh, đặc biệt là khi mọi người quay trở lại làm việc bình thường trong tuần tới.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-luon-dat-an-toan-cua-nguoi-dan-len-hang-dau-677148.html
Zalo