Hà Nội: Lực lượng chức năng tập trung tối đa khắc phục hậu quả sau mưa bão
Ngay sau cơn bão số 3, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão, đảm bảo an toàn cho người dân.
Sau cơn bão số 3, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã dồn lực khắc phục hậu quả do mưa bão.
Theo báo cáo của quận Hai Bà Trưng, bão số 3 khiến 3 người bị thương nhẹ; làm hư hại 12 xe ôtô, 4 xe máy do cây đè. Tính đến sáng 8/9, trên địa bàn quận có 745 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy, trong đó, có 85 cây xanh trên các tuyến phố chính, còn lại trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, ngõ ngách... và được xử lý kịp thời, không ảnh hưởng tới giao thông.
Từ sáng sớm ngày 8/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung đã trực tiếp xuống các địa bàn để chỉ đạo các các lực lượng công an, Quân sự quận phối hợp, hỗ trợ cùng lực lượng các phường để xử lý các sự cố phát sinh, đặc biệt liên quan cây gãy đổ, cản trở giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân tại các công trình có nguy cơ cao.
Trên tuyến phố Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng), bão số 3 đổ đã khiến cây xanh đổ la liệt, nước ngập sâu tràn vào nhiều nhà dân. Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Xuân Trịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho biết đến 8h sáng 08/9, giao thông trên tuyến Dương Văn Bé đã thông suốt, hoạt động bình thường, sinh hoạt của người dân được đảm bảo ổn định.
“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Tuy tiếp tục tập trung khắc phục sự cố do mưa bão để nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo an toàn giao thông công cộng để người dân nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường,” ông Lưu Xuân Trịch cho hay.
Còn tại quận Đống Đa, đến 5h ngày 8/9, có 538 cây xanh gãy đổ; 14 sự cố về điện, cháy chập, hỏng tủ điện; 4 sự cố về chiếu sáng; 1 sự cố về viễn thông; 3 sự cố về cột đèn giao thông. Ngoài ra, 3 mái tôn, 14 ôtô, 1 biển báo giao thông thiệt hại, hư hỏng; 1 sự cố mắc kẹt trong thang máy đã được khắc phục kịp thời. Các lực lượng đã và đang bố trí ứng trực, phối hợp xử lý nhanh sự cố, bảo đảm an toàn.
Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa cũng đã chỉ đạo các phường tổ chức di chuyển 110 hộ/367 nhân khẩu tại các nhà xuống cấp, nguy hiểm đến vị trí an toàn, cấp phát đầy đủ trang thiết bị và nhu yếu phẩm, đồng thời quận tiếp tục tổ chức trực 24h/24h; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời triển khai phương án phòng chống.
Trong khi đó, tại quận Nam Từ Liêm, suốt đêm 7/9, rạng sáng 8/9, các lực lượng chức năng của quận Nam Từ Liêm đã tập trung khắc phục sự cố tại địa bàn các phường và tuyến đường, phố trên địa bàn.
Tính đến 5h ngày 8/9, trên địa bàn quận có 557 cây đổ và 121 cây gãy cành. Ủy ban Nhân dân các phường đã chủ động phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh di dời, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước đó, để nhanh chóng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa, bảo đảm có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra, đặc biệt bảo đảm điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ.
Các địa phương, đơn vị theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất.../.