Hà Nội: Linh hoạt hình thức tổ chức dạy học trong những ngày rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ lúc 6 giờ sáng 23/1 tại khu vực Hà Nội là 9,9°C. Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, tình hình dạy và học tại hầu hết các trường trên địa bàn TP diễn ra bình thường với linh hoạt hình thức.

Học sinh mầm non, tiểu học đến lớp thưa hơn

Trên tinh thần công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai đến toàn ngành, các phòng GD&ĐT và các nhà trường đã linh hoạt nhiều biện pháp để vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa thực hiện đúng kế hoạch, chương trình giáo dục theo khung thời gian năm học.

Học sinh mầm non đảm bảo mọi điều kiện giữ ấm trong lớp học

Học sinh mầm non đảm bảo mọi điều kiện giữ ấm trong lớp học

Nhà giáo Vũ Thị An, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: Trường có tổng số 520 học sinh. Thông thường số học sinh đi học khoảng 470- 480 em nhưng ngày hôm nay (23/1), do thời tiết rét đậm, rét hại kèm mưa đầu giờ sáng nên tính đến thời điểm 9 giờ sáng, tổng sỹ số học sinh có mặt tại trường chưa đến 100 em.

“Trường đã triển khai đầy đủ văn bản của Sở GD&ĐT về công tác phòng chống rét đến học sinh và phụ huynh. Phụ huynh rất quan tâm và thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết trên bản tin phát 6 giờ sáng; nếu thấy nhiệt độ xuống thấp dưới 10°C mà gia đình bố trí được phương án trông con, phụ huynh sẽ cho các con nghỉ học”, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Khương Trung chia sẻ.

Về phía nhà trường, trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, cổng trường vẫn mở để đón các con. Thông thường, trường mở cửa đón các đến 8 giờ sáng nhưng những ngày thời tiết mưa hoặc mưa rét thì thời gian mở cửa đón muộn hơn. Trường đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống rét như chuẩn bị đệm ấm, khăn ấm, nước ấm, điều hòa hai chiều, không tổ chức hoạt động ngoài trời,… để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Tại trường Tiểu học – THCS – THPT Khương Hạ, sáng 23/1, sỹ số cấp THCS, THPT có khoảng 96,7% học sinh đến lớp, riêng khối tiểu học, số học sinh đến lớp chiếm hơn 6,1%.

Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ có 20 học sinh khối tiểu học đi học sáng 23/1

Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ có 20 học sinh khối tiểu học đi học sáng 23/1

“Cấp tiểu học có 7 lớp với tổng 326 học sinh thì sáng 23/1, chỉ có 20 học sinh đi học. Đây là những học sinh có bố mẹ đi làm, ở nhà không ai trông nên phụ huynh cho đi học. Nhà trường vẫn mở cửa đón các con bình thường và đảm bảo mọi điều kiện dạy học. 20 học sinh tiểu học được dồn vào 1 lớp để học và quản lý tập trung”, nhà giáo Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cũng theo nhà giáo Nguyễn Phương Liên, dù 20 học sinh tiểu học đến lớp nhưng giáo viên tiểu học vẫn đi dạy 100%. Thay vì cho giáo viên nghỉ, nhà trường tổ chức cho các thầy cô buổi sinh hoạt chuyên môn.

Tại một số trường ngoài công lập như Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy), Trường Marie Curie, Trường Tiểu học & THCS Newton 5 (huyện Thanh Oai), do có học sinh ở nhiều khu vực, có tổ chức xe tuyến nên sỹ số đi học duy trì khá đầy đủ. Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang trước đó đã có thư nhắn nhủ: Phụ huynh hãy yên tâm gửi con đến trường. Nhà trường sẽ đảm bảo điều kiện sinh hoạt ấm áp cho các con”.

Chuyển trạng thái dạy online

Thay vì chờ đợi thông tin thời tiết vào từng sáng, Trường Tiểu học Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đã đồng loạt triển khai dạy và học online cho học sinh toàn trường trong ngày 23/1.

Trường Tiểu học Đường Lâm, thị xã Sơn Tây triển khai dạy và học online cho toàn trường trong điều kiện thời tiết rét đậm

Trường Tiểu học Đường Lâm, thị xã Sơn Tây triển khai dạy và học online cho toàn trường trong điều kiện thời tiết rét đậm

Nhà giáo Cao Thị Phương Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày 21/1, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, sơ kết học kỳ 1. Qua theo dõi thông tin thời tiết có báo, vài ngày tới nhiệt độ khu vực Hà Nội xuống thấp, có thể dưới 10°C nên Hội đồng sư phạm đã quyết định thông tin đến phụ huynh về phương án dạy và học online trong những ngày rét, tránh việc học sinh phải đi lại hay phụ huynh phải đưa đón con trong điều kiện mưa rét".

Sau khi thông báo và nhận được sự đồng thuận của hầu hết phụ huynh, nhà trường đã triển khai kế hoạch cụ thể, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, thông báo đến từng phụ huynh. Nhà trường cũng phân công giáo viên chủ nhiệm tham khảo, xin ý kiến phụ huynh về khung thời gian dạy (sáng/chiều) để tạo sự thuận lợi, thống nhất; mặt khác động viên, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị thiết bị, đường truyền; nhắc nhở các con vào học đúng giờ.

“Cả trường có 987 học sinh với 5 khối lớp và sẽ học online toàn bộ trong ngày hôm nay với 2 khung sáng – chiều. Sáng nay qua công tác thăm lớp, nhìn chung sỹ số học sinh khá đầy đủ, đảm bảo trên 90%. Học sinh học nghiêm túc, hứng thú, giáo viên chuẩn bị bài giảng chu đáo nên nhà trường rất yên tâm. Phương án này vừa thúc đẩy công tác chuyển đổi số của nhà trường, tận dụng thành quả của giai đoạn học trực tuyến, vừa là giải pháp đảm bảo học sinh đi học đủ, không mất bài. Sau khi đi học trực tiếp, giáo viên sẽ tiếp tục củng cố kiến thức cho các con”, cô Phương Mai nói.

Học trực tuyến trong những ngày rét, những ngày thời tiết xấu hoặc trong điều kiện bất khả kháng cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh học sinh.

Chị Nguyễn Mai Anh, trú tại quận Long Biên chia sẻ: “Hai con tôi học trường chuyên và trường chất lượng cao tại quận Cầu Giấy, từ nhà di chuyển đến trường hơn 20km. Hàng ngày, chưa đến 6 giờ sáng, các con đã ra khỏi nhà để kịp giờ đi học. Ở lớp của các con cũng có khá nhiều bạn nhà xa tương đương. Giá như, vào những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, trường triển khai học song song trực tiếp và trực tuyến thì các con sẽ được lựa chọn hình thức học phù hợp hơn”.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Ngô Ngọc Hải, trú tại quận Hà Đông cũng cho rằng, việc triển khai dạy trực tuyến hoặc dạy song song trực tuyến và trực tiếp trong một số trường hợp là điều cần sớm được các trường triển khai trở lại.

“Trường con tôi có đợt rất nhiều học sinh bị đau mắt đỏ hoặc bị sốt xuất huyết phải nghỉ học. Hoặc cũng có khi cả trường nghỉ học vì cơ sở vật chất của trường được trưng dụng làm địa điểm tổ chức các kỳ thi quan trọng. Nếu có hình thức học trực tuyến thì các con vẫn được học bình thường; đồng thời sẽ tạo sự yên tâm cho cha mẹ”, anh Hải đề xuất.

Lưu ý của Sở GD&ĐT đối với các nhà trường trong ngày rét đậm

- Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10°C; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7°C.

- Các nhà trường kiểm tra, sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

- Các trường có tổ chức bán trú cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Đối với các trường, nhóm lớp mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ em.

- Các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét.

- Các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-linh-hoat-hinh-thuc-to-chuc-day-hoc-trong-nhung-ngay-ret-dam.html
Zalo