Hà Nội làm gì để thực hiện mục tiêu không có xe máy xăng trong vành đai 1 từ 1.7.2026?
Mục tiêu đến ngày 1.7.2026 không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1 đang đặt ra cho Hà Nội nhiều thách thức, từ chuyển đổi phương tiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đến đầu tư hạ tầng giao thông xanh.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho ít nhất 70.000 người mỗi năm. Con số này cao gấp đôi số ca tử vong ở Việt Nam do đại dịch Covid-19. Trung bình cứ 7,5 phút, lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động. Trong đó 70% xe đang lưu hành là xe máy cũ - nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí đô thị. Mô tô, xe máy chiếm tới 95% phương tiện cơ giới, thải ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 trong giao thông.

Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (ảnh minh họa).
Theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, lượng phát thải từ xe máy là rất lớn, với khoảng 470.000 tấn CO/năm và 38.000 tấn HC/năm, tương đương lần lượt với tổng trọng lượng của khoảng 31.000 và 2.500 chiếc xe buýt lớn.
Việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để kiểm soát, hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.
Tiếp đó, từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3.
Theo ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tiếp thu Chỉ thị 20, TP Hà Nội ngay lập tức có văn bản giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp. Dự thảo kế hoạch này đã cơ bản đầy đủ và đang xin ý kiến tham gia của các sở ngành liên quan, dự kiến sở sẽ trình Thành phố trước ngày 25.7.2025.

Mô hình tuyến đường cao tốc điện, sạc pin ô tô tại Thụy Điển. Ảnh minh họa.
Một trong những trọng tâm được Hà Nội xác định là chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân. Đây là nhiệm vụ có tính chất quan trọng, tác động lớn và liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.
Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế chính sách cụ thể để triển khai theo Điều 28 của Luật Thủ đô, trong đó đề xuất các hình thức hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện đa dạng, bao gồm hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc gián tiếp thông qua điều chỉnh phí, lệ phí nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông xanh. Với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phương tiện công cộng, thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng cơ chế hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi. Đồng thời thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, đặc biệt là hệ thống trạm sạc.
Song song với chuyển đổi phương tiện cá nhân, Hà Nội đang xây dựng các giải pháp nhằm phát triển hệ thống vận tải công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế phụ thuộc vào xe máy. Việc kết nối giữa các loại hình vận tải cũng đang được tính toán kỹ lưỡng, nhằm xây dựng mạng lưới giao thông đô thị hiệu quả, đồng bộ và thân thiện với môi trường.
Theo PHÚC ÂN/Báo Công Luận
Link bài viết gốc