Hà Nội: Kỷ lục thu ngân sách và bài học nuôi dưỡng nguồn thu
Năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự tăng trưởng tích cực, cũng như hiệu quả của những giải pháp thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2024, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn Hà Nội thực hiện 479.034 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản thu hồi vốn của nhà tại các tổ chức kinh tế), đạt 125,6% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số thu nội địa. Số thu này góp phần lớn vào thành tích của Hà Nội khi lần đầu tiên cán mốc 500 nghìn tỷ đồng và là một trong những sự kiện tiêu biểu của thủ đô năm 2025.
Đáng chú ý, số thu nội địa chiếm gần 94% trong cơ cấu thu ngân sách của thành phố, bao gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, thuế thu nhập cá nhân… đều tăng trưởng 2 con số so với năm 2023. Có được điều này là nhờ TP Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ cho doanh nghiệp, người dân.
Điểm nhấn thứ 2 là việc quản lý tốt về thương mại điện tử. Thuế từ hoạt động thương mại điện tử nhiều năm trước còn là lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” thì trong năm 2024, thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp tăng cường quản lý nguồn thu này. Cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh thông tin tới các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để nắm bắt, chủ động thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế đúng quy định.
Kết quả đã định danh được 508.652 gian hàng, tăng 178.699 gian hàng, tăng 139% so với thời kỳ bắt đầu triển khai tháng 03/2024. Số mã số thuế đã định danh: 432.181 mã số thuế, tăng 261.132 gian hàng, tăng 218% so với thời kỳ bắt đầu triển khai tháng 03/2024.
Từ những nỗ lực kể trên, 86.894 tổ chức, cá nhân đã được Cục thuế Hà Nội rà soát, đưa vào quản lý thuế, trong đó: 29.501 doanh nghiệp, gồm chủ sàn, doanh nghiệp trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, doanh nghiệp có web/app bán hàng, doanh nghiệp bán trên sàn thương mại điện tử, tăng 53% so với cùng kỳ; 40.511 hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tăng 96% so với cùng kỳ; 16.882 cá nhân (gồm cả cá nhân tiếp thị liên kết, cá nhân đăng tải nội dung số, thu nhập từ quảng cáo) tăng 159% so với cùng kỳ.
Tổng số thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử lũy kế đến 31/12/2024 đạt 42.510 tỷ đồng, tăng 10.592 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023 (tương ứng tăng 33%).
Đặc biệt, số tiền nộp qua eTax Mobile đạt 936 tỷ đồng năm 2024, tăng 714 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với 2023. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của ứng dụng trong việc hỗ trợ người dân thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện.
Chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu
Năm 2025, dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội là 505.437 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 473.900 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương là 165.990 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết, để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2025, Cục Thuế Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025 với trọng tâm là đảm bảo bao quát nguồn thu, thu đúng - thu đủ - thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu.
Theo đó, cục Thuế sẽ tập trung theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả.
Song song với đó, duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, Hà Nội cũng tập trung chống thất thu thuế đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề: thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, gian lận hóa đơn điện tử.
Đồng thời, tập trung rà soát, chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định; thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý. Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội. Kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru sau khi sắp xếp tinh gọn, đảm bảo không ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngành Thuế Thủ đô cũng đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh doanh số...