Hà Nội: Không khí ở ngưỡng tốt vào buổi sáng, chiều lại kém
Sáng 18-2, khu vực Hà Nội có mưa phùn giúp rửa trôi bụi mịn, chất lượng không khí cải thiện ở ngưỡng tốt từ sáng sớm đến trưa, chỉ số AQI dao động từ 17-43. Tuy nhiên, khi trời tạnh, cộng với lưu lượng phương tiện giao thông nhiều, chất lượng không khí gia tăng ô nhiễm và duy trì ở ngưỡng kém.

Số liệu trên trang moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố vào 8h ngày 18-2 cho thấy: Chất lượng không khí tốt nhất là khu vực thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) có chỉ số AQI ở mức 17, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ở mức 23, số 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) ở mức 24, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) ở mức 25. Chỉ số AQI cao nhất là khu vực phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và xã Vân Hà (huyện Đông Anh) có chỉ số AQI lần lượt là 43 và 36.
Tương tự, trên trang cem.gov.vn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng không khí một số khu vực ở Hà Nội cũng được cải thiện tích cực. Duy nhất khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội (phía đường Giải Phóng) chất lượng không khí ở mức trung bình, chỉ số AQI là 56. Còn khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) duy trì ở ngưỡng tốt, chỉ số AQI lần lượt là 42 và 34.
Theo các chuyên gia môi trường, khu vực Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung vẫn trong mùa ô nhiễm không khí. Việc chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng tốt những ngày qua chỉ mang tính tạm thời và phụ thuộc vào yếu tố thời tiết như có mưa, cường độ gió mạnh giúp khuếch tán chất ô nhiễm. Còn phần lớn thời gian khác bầu khí quyển bị bao phủ một lớp sương mù và lớp nghịch nhiệt gây ô nhiễm.
Lớp nghịch nhiệt trên cao là lớp không khí ấm hơn so với lớp không khí gần mặt đất, đóng vai trò như một nắp đậy, khiến khói bụi không thoát ra bầu khí quyển. Do vậy khi hết mưa, hiện tượng nghịch nhiệt lại xảy ra, khói, bụi phát sinh hằng ngày không thoát được mà lơ lửng ở tầng khí quyển thấp gây ô nhiễm không khí.