Hà Nội khẩn trương khắc phục khó khăn cho người dân vùng ngập lụt
Do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lũ, trong vài ngày qua, địa bàn một số huyện của Hà Nội như Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai đã bị ảnh hưởng, nhiều đoạn đê, đường giao thông nông thôn, nhà ở người dân, hoa màu... bị ngập nước. Ðáng chú ý, sau nhiều ngày không có mưa lớn, mực nước các sông vẫn ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Nhiều địa phương bị thiệt hại do lũ
Do ảnh hưởng của bão số 2 và rìa bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22 đến ngày 30/7, trên địa bàn huyện Quốc Oai có mưa lớn, tổng lượng mưa gần 484 mm.
Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Tích dâng cao, gây ngập úng một số khu dân cư, gồm hơn 500 hộ dân trên địa bàn. Trong đó, xã Cấn Hữu, Đông Yên, là địa bàn bị ngập sâu nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, đến 17h giờ ngày 30/7, mưa lũ đã làm ngập gần 790 ha đất sản xuất nông nghiệp; gây sạt lở đê bao Phú Bình, xã Phú Cát và gây ra bốn sự cố sạt trượt mái đê hữu Ðáy tại các xã: Sài Sơn, Ðồng Quang và Tân Hòa. Cung sạt trượt có chiều dài từ 12m đến 30m, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê đang bị ngâm nước dài ngày.
Tại huyện Thạch Thất, mực nước trên sông Tích cũng dâng cao, tại điểm đo ở xã Kim Quan, mực nước sông Tích cao hơn mức báo động cấp III là 25 cm. Do mực nước sông Tích lên cao gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực ven sông Tích như: Xóm Trại (thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm), xóm Sông thôn Ngoại Thôn xã Phú Kim, chủ yếu ngập đường giao thông ngõ xóm, một số hộ ngập sân, bậc hè, chưa phải di dời.
Tính đến 9 giờ ngày 31/7, tổng diện tích bị ngập úng là 158ha, trong đó diện tích ngập trắng không có khả năng phục hồi là 131,4ha, ngập sâu 26,6ha. Mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa và hoa màu ở 16/22 xã, thị trấn.
Còn tại huyện Chương Mỹ, Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, lượng mưa từ 7 giờ ngày 22/7 đến 11 giờ ngày 31/7 lên đến hơn 408 mm, kết hợp với nước lũ từ rừng ngang tràn về đã làm mực nước sông Bùi dâng cao nhanh.
Mưa lũ đã làm 651m kênh mương bị hư hỏng; 6.135m đê bị ngập thuộc địa bàn 10 xã Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần - Phú; đê hữu Bùi tại vị trí tường kè thôn Đừn, xã Tốt Động xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; Trạm bơm Lải Cao xã Tân Tiến bị ngập sâu trong nước; 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng; 114.450m đường giao thông nội đồng bị ngập…
Hơn 1.480 hộ dân ở 20 thôn, xóm bị ngập nhà cửa từ 0,5 - 2m; hơn 1.500 hộ bị ngập lối đi. Hàng nghìn héc ta lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Bám sát tình hình, chủ động ứng phó
Theo các huyện thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 nói chung và công tác ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lớn nói riêng, các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, công tác chuẩn bị theo phương chẩm “bốn tại chỗ”, kịp thời đầu tư kinh phí nâng cấp các công trình để điều, thủy lợi đã cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Khi có bão, lũ, thiên tai, các huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn các huyện đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai được phê duyệt, thường xuyên giao ban, kiểm tra cơ sở, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Với tỉnh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khần trương và hiệu quả, công tác ứng phó với cơn bão số 2, mưa lớn và các thiên tai, sự cổ khác… nhằm, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn và các tình huống thiên tai có nguy cơ tiếp tục xảy trong thời gian tới, các huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ổn định đời sống cho nhân dân. Trong đó, chủ động hướng dẫn nhân dân có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, máy móc, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch tả, đau mắt hột và các bệnh ngoài da cho người dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố cung cấp hàng cứu trợ, đảm bảo đời sống của nhân dân kịp thời, đúng đối tượng.
Chỉ đạo đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa, các công trình thủy lợi; triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều và các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó khi xảy ra mưa bão, lũ; thực hiện phương án phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất. Tăng cường lực lượng ứng trực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản của nhân dân.
Được biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến khu vực chậm lũ của Thành phố, nơi thường xuyên bị ngập lụt. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, khó lường, ảnh hưởng của mưa lũ đến đời sống người dân ngày càng lớn.
Ngày 29/7, tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả úng ngập tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động phòng chống lũ lụt của cấp ủy, chính quyền và người dân, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các huyện phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, nếu cần thiết có thể sơ tán người dân đến nơi ở an toàn. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống. Về lâu dài, phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, khi nước rút, các địa phương phải khẩn trương chỉ đạo ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.