Hà Nội: Khẩn trương di dời người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn
Từ đêm 9/9 đến sáng 10/9, nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực ven sông Hồng ở phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) đã phải di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Sáng 10/9, nước sông Hồng dâng cao, làm ngập úng nhiều nơi, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điển hình như từ đêm qua (9/9) đến sáng nay (10/9), nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực ven sông Hồng tại địa chỉ ngõ 46 và ngõ 139 Chương Dương Độ, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) đã phải di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Chị Nguyễn Thị Nhung, trú tại phường Chương Dương chia sẻ: Nước sông Hồng lên rất nhanh, sáng nay (10/9), nước dâng cao làm ngập ngay đầu phố Chương Dương Độ, học sinh phải đi học bằng thuyền, di chuyển khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm. Xung quanh các điểm bị ngập, người dân đang cố gắng vận chuyển phương tiện, tài sản đến nơi khác.
Do nước sông Hồng dâng cao, gây ngập úng, tiềm ẩn nguy hiểm, nên ngay trong đêm 9/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá (Ba Đình) đã họp khẩn, huy động các lực lượng chức năng di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở bãi sông Hồng và khu vực xóm trọ sát mép bờ sông đến nơi lưu trú an toàn tại Nhà văn hóa trong phường.
Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá Trần Thị Tố Tâm cho biết, phường Phúc Xá là địa bàn duy nhất của quận Ba Đình nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, do đó công tác bảo đảm an toàn cho người dân, phòng, chống lũ lụt được phường đặt lên hàng đầu.
Hiện, phường đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng, cảnh báo kịp thời cho người dân để sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân...
Tại huyện Chương Mỹ, Bí thư huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lúc 6 giờ 30 phút ngày 10/9 là 7,22m (trên mức báo động 3 tầm 0,22m), dự báo thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng là rất lớn. Huyện ủy chỉ đạo khẩn trương di dời ngay nhân dân ra khỏi vùng ngập, đặc biệt là người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ, có 3 thôn bị ngập làm 273 hộ với 1.100 nhân khẩu bị ảnh hưởng; 1.300m giao thông nội đồng, hơn 4.000m giao thông nông thôn bị ngập.
Huyện đã tập kết 6 xuồng máy, hai máy đẩy, bốn bè cứu sinh, 100.000 bao tải, hơn 16.000m3 đất sẵn sàng hộ đê, cứu trợ người dân khi có yêu cầu; đồng thời huy động hàng trăm người dân, thanh niên tình nguyện đắp đê Bùi 2.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Nhân Lý (huyện Chương Mỹ) cho biết, nước dâng cao tràn vào sân vườn, chị phải nhờ hàng xóm khuân giúp những đồ vật nặng lên cao.
Từ 3 giờ ngày 8/9, nước sông Bùi dâng liên tục, bắt đầu tràn vào đường chính, chạy dọc làng Bùi Xá. Thị trấn Xuân Mai huy động hơn 30 dân quân tự vệ, tổ dân phố hỗ trợ 120 hộ dân với 500 nhân khẩu thôn Bùi Xá di chuyển đồ đạc lên cao.
Tại huyện Quốc Oai, nước tràn vào hai bên cánh đồng xã Cấn Hữu. Đường tỉnh 412B nối thị trấn Xuân Mai với huyện Quốc Oai, nước ngập 60cm. Cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo, hiện chỉ một số loại ôtô gầm cao có thể qua lại.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng, tràn đê, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư huyện ủy huyện Chương Mỹ cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống lụt bão với phương châm "4 tại chỗ" một cách nghiêm túc, trách nhiệm, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân.
Đặc biệt, các xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi lũ sông Bùi tập trung tuyên truyền, chỉ đạo di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, tuyệt đối không chủ quan; chủ động phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng; đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân trong suốt thời gian ngập úng (nếu có).
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tổ chức trực 24/24 giờ; theo sát tình hình thời tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối các tuyến đê, kịp thời tổng hợp tình hình trên địa bàn về Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện theo quy định; tổ chức cảnh báo nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ... trên sông; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điện khu vực ngập lụt, kiểm tra an toàn thi công các công trình xây dựng; thực hiện dừng khai thác các cầu yếu, cầu có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn huyện.
Các địa phương kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại, tổ chức phân luồng giao thông, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân khi cần thiết.
Hiện mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ trên báo động 2; sông Đáy trên báo động 1 và có xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên 7,81m (dưới báo động 1 tầm 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm 10/9).
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Công điện số 13/CĐ-Ủy ban Nhân dân về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh; chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; đảm bảo không bỏ sót người dân...
Trước đó, chiều 9/9, tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm “4 tại chỗ.”
Người đứng đầu cấp ủy phải quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường...
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc huy động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực cùng các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đảm bảo an sinh xã hội, chủ động phòng chống ngập lụt, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.