Hà Nội: khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ban đêm

Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, Hà Nội có nhiều hứa hẹn khả quan để kinh tế đêm phát triển bền vững và sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tour ẩm thực mới “Đêm làng cổ” tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách. Ảnh: Mộc Miên

Tour ẩm thực mới “Đêm làng cổ” tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách. Ảnh: Mộc Miên

Tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam với mục tiêu “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.

Chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế đêm cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, gắn kết cộng đồng, tăng cường giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, đặc biệt là giao lưu với khách du lịch…

Với Hà Nội, thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc phát triển du lịch đêm. Đây là một hướng đi mới, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn khẳng định sức hấp dẫn của Hà Nội đối với khách quốc tế.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, phát triển kinh tế đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội.

Hà Nội hiện nay đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch đêm chủ yết ở các quận như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ với hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch và hoạt động kinh tế ban đêm thuận tiện cho du khách. Cơ sở vật chất phục vụ giải trí, ẩm thực, mua sắm và hệ thống khách sạn được đầu tư khá bài bản.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là nơi bảo tồn hàng trăm di tích lịch sử, các quần thể kiến trúc cổ, hệ thống hồ nước, cây xanh đã làm nên nét đẹp của TP. Bên cạnh những công trình văn hóa vật thể, Hà Nội còn có rất nhiều các giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thống nghệ thuật, lễ hội và lối sống thanh lịch của người Tràng An.

Các mô hình biểu diễn nghệ thuật đêm cũng đang được chú trọng, với sự tham gia của nhà nhà hát như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long. Những hoạt động này làm phong phú cho đời sống văn hóa của người dân Hà Nội. Đồng thời, tạo sức hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá và trải nghiệm nghệ thuật.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, ngành du lịch Hà Nội đã đạt được một số thành quả nhất định như: Hà Nội đã tổ chức hơn 300 sự kiện văn hóa với quy mô lớn, được tổ chức ở các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, TP trong cả nước và 17 quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, kinh tế đêm đã đem lại ngân sách cho Hà Nội trong các năm liên tục tăng về doanh thu lưu trú ăn uống (năm 2021 là 1.571 tỷ đồng; năm 2022 là 3.122 tỷ đồng; năm 2023 là 6.012 tỷ đồng). Doanh thu ngành Du lịch năm 2021 là 189 tỷ đồng; năm 2022 – 2023 là 3.975 tỷ đồng.

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã công bố 20 sản phẩm du lịch đêm độc đáo, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm, phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Sau không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai thí điểm từ tháng 9/2016, đến nay, Hà Nội có thêm các tuyến phố đi bộ như: phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng.

Bên cạnh những tuyến phố đi bộ, TP Hà Nội hiện có nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút du khách như tour “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; tour "Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo"; tour đêm với chủ đề “Tinh hoa đạo học”.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng thông tin, Sở đang tiếp tục thúc đẩy mở rộng xây dựng mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại các huyện ngoại thành.

Trong kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn TP, Sở Du lịch TP Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế đêm tại một số quận, huyện, thị xã; trên cơ sở đó, lựa chọn, xây dựng sản phẩm du lịch đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn.

Việc đẩy mạnh triển khai các sản phẩm du lịch đêm, nhiều chuyên gia du lịch kỳ vọng Hà Nội sẽ trở thành địa phương thành công trong xây dựng các tour du lịch đêm cũng như đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm quan trọng nhằm phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-khai-thac-the-manh-de-phat-trien-kinh-te-ban-dem-404329.html
Zalo