Hà Nội: Hội thảo thành tựu 50 năm Sân khấu Thủ đô

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau điểm lại những dấu mốc quan trọng, những thành tựu nổi bật, những giải thưởng sân khấu quốc gia, quốc tế mà nghệ sĩ thủ đô đạt được. Xuyên suốt hội thảo bao gồm 10 bài tham luận được trình bày bởi các nghệ sĩ gạo cội trong lĩnh vực sân khấu.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Sáng 25/4, hội thảo “Thành tựu 50 năm Sân khấu Thủ đô” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo được tổ chức nhân dịp Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đồng thời, đây chính là lời tri ân, bày tỏ biết ơn những thành tựu rực rỡ mà Sân khấu Hà Nội đã đạt được 50 năm qua.

Tham gia hội thảo có sự góp mặt của Nhà Biên kịch Bành Mai Phương - Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội; Họa sĩ Xuân Thủy; NSND Trung Hiếu; NSND Thanh Trầm, cùng nhiều nghệ sĩ sân khấu gạo cội khác.

Chặng đường 50 năm sân khấu cách mạng trong đó có sân khấu Hà Nội đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho sân khấu Cách mạng Việt Nam một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau điểm lại những dấu mốc quan trọng, những thành tựu nổi bật, những giải thưởng sân khấu quốc gia, quốc tế mà nghệ sĩ thủ đô đạt được. Xuyên suốt hội thảo bao gồm 10 bài tham luận được trình bày bởi các nghệ sĩ gạo cội trong lĩnh vực sân khấu.

Có thể nói không có một sự kiện lớn nào của Hà Nội và đất nước, sân khấu Hà Nội lại không góp mặt. Không phải là đầu tiên nhưng sân khấu vẫn là một trong những loại hình đến sớm nhất và để lại những dấu ấn đậm nét. Thời kỳ xây dựng sau hòa bình những vấn đề nhận thức xã hội về con đường đi của một đất nước cũng có sự tham gia tích cực của giới sân khấu. Do tính chất trực diện, áp sát những vấn đề của đời sống, đưa những vấn đề của đời sống đến với người xem, người đọc dưới dạng những xung đột gay gắt, đến độ cao trào nên sân khấu gần như là đời sống đã được chắt lọc, trực tiếp tác động đến nhận thức và tình cảm người xem nên nó nhanh, mạnh và kịp thời hơn các tiểu loại khác.

Phát biểu tại Hội thảo, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng: “Sân khấu không bao giờ có thể thoát ly khỏi những vấn đề của đời sống dân tộc nhưng cũng không bao giờ cho phép mình đi sau, ăn theo mà phải đồng hành với đời sống”.

Nhìn vào diện mạo sân khấu hôm nay, sự giao thoa trên dường như cái mới luôn được tiếp thu và phát triển mạnh hơn cái đã có. Qua các kỳ liên hoan sân khấu, sân khấu Cải lương phía Bắc dường như thành công hơn phía Nam với những vở diễn được ghi nhận. Nhiều tác phẩm sân khấu mang đậm hình tượng nhân vật với ý thức công dân nâng cao nhận thức khán giả, đặc biệt qua các kỳ Liên hoan sân khấu. Đây là sức bật trong dòng chảy của sự phát triển nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngược lại, sân khấu Kịch nói ở phía Nam đến với khán giả, lan tỏa rộng khắp hơn, sáng đèn rực rỡ hơn, đặc biệt ở TP HCM với nhiểu buổi diễn thường xuyên tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu. 50 năm nhìn lại, sân khấu Việt Nam đã tiếp cận với sân khấu thế giới nhiều hơn theo chiều hướng hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu to lớn mà sân khấu đem lại cho văn hóa nghệ thuật nước nhà thì hiện nay, những thách thức khó khăn đang khiến ngành sân khấu bị phai một. Với kỷ nguyên hiện đại, kỷ nguyên của công nghệ số, sân khấu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính thời đại, đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự đổi mới và thích ứng của những người làm sân khấu.

NSND Trung Hiếu phát biểu tại Hội thảo

NSND Trung Hiếu phát biểu tại Hội thảo

Lý giải cho điều này, NSND Trung Hiếu đã nhận định: “Chúng ta đang nghèo nàn ở ngay từ khâu kịch bản. Các tác giả có nghề dần khuất bóng nên có rất ít kịch bản mới đạt chất lượng nghệ thuật cao. Trong khi đó các tác phẩm mới, để đạt được tiêu chí của nhà hát không nhiều. Đặc biệt, kịch bản thiếu vắng các tác phẩm đương đại mang hơi thở cuộc sống, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng của xã hội, phản ánh chân thực đời sống xã hội. Điều khó khăn từ khâu kịch bản ấy đã buộc nhiều đơn vị nghệ thuật phải lục lại những tác phẩm cũ và biên tập cho hợp với thời đại ngày nay. Chính vì vậy sân khấu chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của khán giả hiện đại”. Cơ chế ngày một thay đổi, nhà hát không còn là lựa chọn tối ưu cho lực lượng diễn viên trẻ gắn bó lâu dài. Nhiều nghệ sĩ trẻ có năng lực vì mưu sinh đã chọn hướng rẽ khác có thu nhập ổn định hơn. Nhiều nhà hát, sân khấu xuống cấp, thiếu trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để có thể dàn dựng những vở diễn lớn quy mô. Kinh phí tổ chức quảng cáo cho các vở diễn còn hạn chế. Khiến sân khấu không đủ sức cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại khác.

Sân khấu kịch nói hiện đang đứng trước những thách thức mới: một bên là những giá trị truyền thống đáng tự hào, bên kia là sự chuyển mình cần thiết để tồn tại và phát triển. Chúng ta không thể quay lưng với thời đại, nhưng cũng không thể từ bỏ những giá trị căn bản đã làm nên bản sắc của sân khấu. Để chấn hưng nền sân khấu, hay nói cách khác là để sân khấu lấy lại được khí thế của thời hoàng kim ngày xưa, thì khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao có tác phẩm hay mà điều này thì phải có thời gian. Vì vậy, sự đồng lòng của nghệ sĩ, nhà quản lý, các cơ sở đào tạo và cả công chúng chính là chìa khóa để khơi lại tình yêu với sân khấu, để kịch nói tiếp tục sống, tiếp tục truyền cảm hứng về cái đẹp, giáo dục định hướng cho con người đến với những giá trị cốt lõi của Chân - Thiện - Mỹ.

Nguyễn Ngọc Quỳnh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-hoi-thao-thanh-tuu-50-nam-san-khau-thu-do-a28468.html
Zalo