Hà Nội: Học sinh lớp 9 'chạy nước rút' tranh suất vào lớp 10 công lập
Học sinh lớp 9 Hà Nội miệt mài ôn luyện để vượt qua kỳ thi vào lớp 10 công lập với nhiều thay đổi trong chương trình và quy chế thi.

Học sinh miệt mài học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+).
Tạm gác lại các sở thích cá nhân, miệt mài với các lịch học dày đặc từ sáng tới đêm, các sỹ tử lớp 9 của Thủ đô đang nỗ lực hết mình để chinh phục cánh cổng trường trung học phổ thông công lập khi chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ chính thức bắt đầu.
Dốc sức
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 của Thủ đô là 64%. Dù đã tăng 3% so với năm học trước nhưng sẽ vẫn có khoảng 48.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 không có cơ hội học tập trong các trường trung học phổ thông công lập.
Đây cũng là kỳ thi lớp 10 đầu tiên tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, áp dụng quy chế thi mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2024. Theo đó, kỳ thi sẽ có nhiều điều chỉnh như đề thi định hướng đánh giá năng lực người học với các câu hỏi tăng cường tính vận dụng thực tiễn, cách tính điểm xét tuyển thay đổi khi tất cả các môn tính hệ số 1, không còn nhân đôi hệ số môn Toán và Ngữ văn như các năm trước.
Áp lực cạnh tranh để lọt qua khe cửa hẹp cộng với những thay đổi trong kỳ thi năm nay khiến công cuộc ôn thi của thí sinh càng thêm căng thẳng.
Cũng như nhiều học sinh cuối cấp khác, Trúc Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang nỗ lực không ngừng để chinh phục mục tiêu thi vào một trong những trường trung học phổ thông nhóm đầu tại Hà Nội, với điểm trung bình mỗi môn đạt từ 8 trở lên.
Chia sẻ về kế hoạch học tập trong giai đoạn cao điểm này, Trúc Linh cho biết ngoài giờ học trên lớp và các buổi học thêm, em dành thời gian tự học tại nhà để tập trung củng cố những phần kiến thức còn yếu, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh và viết đoạn văn nghị luận xã hội trong môn Ngữ văn.
“Đề thi theo chương trình mới có tính vận dụng cao, nhất là ở môn Ngữ văn. Ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, em cố gắng đọc thêm nhiều văn bản, tác phẩm ngoài sách giáo khoa và luyện viết thường xuyên để nâng cao tư duy lập luận và khả năng diễn đạt. Còn đối với môn tiếng Anh, mỗi ngày em sẽ đặt ra mục tiêu nhỏ cần hoàn thành như học 20 từ vựng,” Linh chia sẻ.
Mỗi tuần, Linh đều đặn làm đề thi thử bám sát cấu trúc mới để rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và làm quen với áp lực phòng thi thực tế. Với tinh thần chủ động, quyết tâm và sự bền bỉ trong ôn luyện, Linh hy vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn nước rút để đạt được kết quả như mong đợi.
Còn với Nguyên Dũng (học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Vạn Phúc), đặt mục tiêu vào trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, trường cấp 3 “hot” nhất khu vực Hà Đông nên giai đoạn này với Dũng chẳng khác nào một “cuộc chạy marathon” không nghỉ.
Lịch trình ôn thi của em gần như kín mít từ sáng đến đêm, bắt đầu với các tiết học chính khóa trên lớp vào buổi sáng và tiếp nối là những buổi học thêm vào buổi chiều. Buổi tối, Dũng cặm cụi bên bàn học, miệt mài giải từng đề thi, luyện từng dạng bài một cách kiên trì. Dũng cho hay từ hơn một tháng qua, em duy trì cường độ học tập cao với 2 tiếng dành để ôn lại kiến thức cũ và ít nhất 3 tiếng để luyện đề.
Nỗ lực hết sức nhưng Dũng vẫn không khỏi lo lắng bởi chỉ cần lệch một điểm số rất nhỏ cũng có thể khiến ngôi trường mơ ước trở nên xa tầm với.
“Em đã tạm gác lại tất cả sở thích cá nhân, dành trọn thời gian và tâm trí để tập trung cho mục tiêu lớn nhất là kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Đôi khi, em cảm thấy như mình đang sống trong một thế giới chỉ toàn sách vở, công thức và những đề thi nối tiếp nhau,” Dũng bộc bạch.

Thầy và trò Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai, Hà Nội miệt mài ôn thi lớp 10. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Với Minh Anh (học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Trung Hòa), việc không nhân đôi điểm số môn Toán, Văn là một bất lợi trong kỳ thi tới khi Tiếng Anh là điểm yếu nhất của em. Dù đã tham gia lớp học thêm và tự luyện đề mỗi ngày, Minh Anh vẫn cảm thấy thiếu tự tin và chật vật mỗi khi đối mặt với bài đọc hiểu. “Làm bài thi thử bị sai nhiều nên em sợ mình không kịp theo kịp các bạn, nhiều từ mới em học rồi lại quên,” Minh Anh lo lắng nói.
Cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường
Chia sẻ với những áp lực của học trò, cô Nguyễn Thu Hằng (giáo viên Trường Trung học cơ sở Vạn Phúc) cho biết, các thầy cô trong trường không chỉ bám sát chương trình học mà còn liên tục cập nhật xu hướng ra đề theo định hướng mới, lồng ghép kiến thức liên môn vào các tiết ôn luyện. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh được “va chạm” với nhiều dạng bài khác nhau.
Trong giai đoạn này, học sinh được phân nhóm ôn tập dựa trên năng lực cá nhân, nhằm bù đắp những lỗ hổng kiến thức và rèn luyện các kỹ năng thi. Các buổi kiểm tra định kỳ được thiết kế sát với cấu trúc đề thi chính thức, giúp học sinh làm quen dần với áp lực. Kết quả kiểm tra sẽ được thông báo kịp thời đến phụ huynh, từ đó đưa ra các giải pháp bổ sung, tăng cường ôn thi để hỗ trợ các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Bên cạnh việc tập trung thời gian và tâm trí cho ôn tập, việc giữ sức khỏe và tinh thần ổn định, phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược ôn thi, giúp các em vừa củng cố kiến thức, vừa đảm bảo sức khỏe cho chặng đường “về đích” đầy thử thách phía trước.
Theo thạc sỹ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu học sinh được học trong một môi trường cởi mở, ít áp lực thì việc tiếp thu kiến thức và xử lý tình huống trong bài thi sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều.
Để giảm bớt áp lực cho học sinh, sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng. Nhà trường cần có những biện pháp hỗ trợ học sinh, như tổ chức các buổi tư vấn tâm lý và không gây áp lực quá lớn về thành tích. Việc đánh giá năng lực học sinh nên được thực hiện một cách toàn diện, không chỉ dựa vào kết quả thi cử mà còn xem xét đến các kỹ năng và phẩm chất khác.
Cùng với đó, gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường học tập tích cực, giúp các em phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ngoài việc phối hợp cùng giáo viên để theo sát tiến độ học tập, hỗ trợ con xây dựng kế hoạch ôn thi khoa học thì cha mẹ còn cần trở thành chỗ dựa tinh thần, chia sẻ và động viên con đúng lúc.
Thạc sỹ Nguyễn Thúy Quỳnh cho rằng sự kỳ vọng thái quá hoặc so sánh con với những học sinh khác có thể vô tình tạo thêm áp lực tâm lý, khiến các em dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và mất động lực. Thay vào đó, nên tạo điều kiện để các em có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động ngoại khóa để cân bằng cuộc sống, tiếp thêm năng lượng cho các em trong chặng đường đầy thử thách này.
“Việc duy trì một chế độ sinh hoạt khoa học là vô cùng quan trọng. Học sinh cần đảm bảo ngủ trước 12 giờ đêm, ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày để giúp cơ thể và trí óc luôn tỉnh táo. Ngoài ra, chế độ ăn uống cần đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, đặc biệt không được bỏ bữa sáng,” bà Quỳnh cho hay.
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2025 được tổ chức trong 2 ngày 7-8/6./.