Hà Nội: hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển sản phẩm OCOP năm 2024
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Thống kê đến hết năm 2024, kết quả đạt được đã vượt mục tiêu đề ra.
30 địa phương cùng vào cuộc
Cuối tháng 11/2024, UBND huyện Gia Lâm phối hợp cùng Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 22 sản phẩm của 8 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm đã thẩm định khách quan, công khai, chính xác đối với từng sản phẩm theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của Trung ương và TP Hà Nội.
Kết quả, trong tổng số 22 sản phẩm tham gia phân hạng, có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao. Đáng chú ý, 4 sản phẩm gốm sứ của một doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng 5 sao OCOP cấp quốc gia.
Cùng với huyện Gia Lâm, trong những tháng cuối năm 2024, 29 quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tài liệu minh chứng; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Thống kê đến hết năm 2024, 30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 606 sản phẩm từ 3 sao OCOP trở lên của 239 chủ thể. Con số này bằng gần 152% so với kế hoạch TP Hà Nội đề ra từ đầu năm 2024 (đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm).
Cũng theo kết quả đánh giá, phân hạng của UBND cấp huyện, trong tổng số 606 sản phẩm, có 488 sản phẩm đủ điều kiện cấp 3 sao OCOP; 111 sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao và 7 sản phẩm có tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Đánh giá, phân hạng công khai, minh bạch
Theo ông Trương Thanh Nam - đại diện Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2024, qua giám sát cho thấy, việc đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP được UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.
“Thực tế quá trình thẩm định ở cơ sở, có 7 hồ sơ của 3 chủ thể đã bị Hội đồng OCOP cấp huyện loại, không thực hiện đánh giá phân hạng. Nguyên nhân là do thiếu hồ sơ về môi trường và thiếu tem điện tử theo quy định…” - ông Trương Thanh Nam nói thêm.
Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đã tiến hành thẩm định, đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Tổ tư vấn đã thống nhất đề nghị Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội (cơ quan Thường trực Hội đồng OCOP TP Hà Nội) phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện lấy 108 mẫu. Mục đích là để phân tích các chỉ tiêu có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm đối với 99 sản phẩm và nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thảo dược.
Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ sản phẩm, kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao, 5 sao của 17 quận, huyện; đồng thời căn cứ kết quả phân tích chất lượng sản phẩm, 118 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 5 sao OCOP của 35 chủ thể đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP TP Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng năm 2024.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, vừa qua, Hội đồng OCOP TP Hà Nội đã tiến hành đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Hội đồng OCOP TP Hà Nội sẽ trình UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt đánh giá, phân hạng và tổ chức công bố kết quả, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao.
Đối với 7 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao cấp quốc gia (huyện Chương Mỹ 3 sản phẩm, huyện Gia Lâm 4 sản phẩm), ông Nguyễn Văn Chí cho biết Tổ đã có báo cáo Hội đồng OCOP TP Hà Nội xem xét. Thời gian tới sẽ trình Trung ương đánh giá, phân hạng theo quy định.
Theo đánh giá của Hội đồng OCOP TP Hà Nội, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 tương đối đa dạng về chủng loại. Trong tổng số 606 sản phẩm, số lượng sản phẩm thực phẩm chế biến chiếm tỷ lệ lớn nhất với 274 sản phẩm (chiếm 45%). Bên cạnh đó là 156 sản phẩm thủ công mỹ nghệ (chiếm 26%), 134 sản phẩm thực phẩm tươi sống (chiếm 22%)…