Hà Nội hiện thực hóa 'khát vọng rồng bay' trong kỷ nguyên mới

Trải qua hơn nghìn năm là kinh đô của nước Việt, chưa bao giờ Hà Nội có tiềm lực, vị thế thuận lợi như ngày nay để hiện thực hóa khát vọng Thăng Long, vươn mình đi đầu trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Tận dụng cơ hội, lợi thế, Hà Nội đang tập trung nguồn lực, tạo lập không gian phát triển mới; tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển, góp phần cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, GRDP dự kiến đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2023 (5,99%). Ảnh: Quang Thái

Năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, GRDP dự kiến đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2023 (5,99%). Ảnh: Quang Thái

Những bước tiến quan trọng tạo lập không gian phát triển mới

Trong Chiếu dời đô năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đã khẳng định, thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội) “thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Hơn 10 thế kỷ đã trôi qua, biết bao đổi thay nhưng câu nói trên của Vua Lý Thái Tổ vẫn còn nguyên giá trị. Cho đến nay, mảnh đất rồng thiêng Thăng Long nghìn năm văn hiến - Thủ đô Anh hùng vẫn đang phát triển thịnh vượng, là nơi hội tụ văn hóa bốn phương, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Qua hơn 70 năm hoàn toàn giải phóng, chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội có được những cơ hội, lợi thế phát triển như ngày nay. Năm 2024 được đánh giá là năm thành phố Hà Nội đạt được những bước tiến rất quan trọng trong xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập không gian phát triển mới cho Thủ đô với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12-12-2024.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Hà Nội đã phục hồi ngoạn mục về kinh tế - xã hội sau thời kỳ đại dịch Covid-19. Kinh tế Thủ đô đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đáng chú ý, thành phố hoàn thành 23/24 chỉ tiêu, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ đạt 6,27%); quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 500 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với 2023, chiếm khoảng 24,6% tổng thu cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt trên 2 tỷ USD; khách quốc tế ước đạt 5,5 triệu lượt trong tổng số 27 triệu lượt khách du lịch, tăng 16,4% so với năm 2023.

Công tác quản lý phát triển đô thị chuyển biến tích cực, trong đó hạ tầng giao thông đô thị trong năm qua là điểm sáng với những dự án được đưa vào hoạt động trong sự mong chờ của người dân Thủ đô. Đặc biệt có thể kể đến, thành phố vận hành thương mại đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, hoàn thành dự án đường Âu Cơ…

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả rất tích cực, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 191 xã nâng cao và 84 xã kiểu mẫu. Cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) được triển khai với các giải pháp đồng bộ, tổng thể. Công tác phòng, chống tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được mở rộng, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác phát triển.

Hà Nội năm qua cũng quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường đô thị một cách triệt để, thực chất, toàn diện. Từ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch… đến việc tập trung xử lý vấn đề nước thải, làm “sống lại” các dòng sông nội đô.

Bên cạnh đó, Thủ đô đã kiên cường vượt qua thử thách của thiên nhiên trong năm 2024. Thành phố tập trung triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống lụt bão, nhất là việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua, bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tuyến đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) hoàn thành mở rộng và đưa vào sử dụng góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thùy Linh

Tuyến đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) hoàn thành mở rộng và đưa vào sử dụng góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thùy Linh

Gương mẫu đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì vai trò thành phố gương mẫu, đi đầu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo nêu trên, các thể chế, việc triển khai có hiệu quả các chính sách mới đối với Thủ đô Hà Nội đã được khẳng định “Khát vọng phát triển của Thủ đô nằm trong các quy hoạch; nguồn lực, thẩm quyền, cơ chế, chính sách thực hiện các quy hoạch nằm trong Luật Thủ đô”. Do đó, năm 2025 nhiệm vụ quan trọng của thành phố được thành phố nhấn mạnh là tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27-12-2024).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, từ những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, quy hoạch định hình tương lai phát triển bền vững, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và hội nhập sâu rộng, Thủ đô có lợi thế khai thác những tiềm năng, tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số… “Thành phố xây dựng các kịch bản, các chỉ tiêu phát triển để phấn đấu tăng trưởng 2 con số”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển của thành phố trong năm 2025.

Bên cạnh đó, năm 2025 thành phố cũng ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại tạo diện mạo phát triển mới của Thủ đô xanh, sạch, đẹp, thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai quyết liệt Đề án 06, thành phố Hà Nội cũng tiếp tục gương mẫu, đi đầu nhằm thực hiện kịp thời, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp từ chi bộ, cấp cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tinh thần “đoàn kết, thống nhất từ cơ sở cho đến thành phố; tiếp tục thay đổi nhận thức về thực hiện nhiệm vụ, công việc chuyên môn; phải có nhận thức, tư tưởng thông suốt, rõ ràng thì hành động sẽ thành công” nhằm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, thực sự tạo lập không gian phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội; đồng thời chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2025.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, nhất định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi việc “xây dựng Thủ đô ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-hien-thuc-hoa-khat-vong-rong-bay-trong-ky-nguyen-moi-689194.html
Zalo