Hà Nội hào hùng, lãng mạn qua mỹ thuật và âm nhạc

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức, cho thấy bức tranh đa sắc màu và rất đáng tự hào. Công chúng Thủ đô và khách du lịch đến Hà Nội dịp này, đừng bỏ lỡ…

Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, nhiều ca khúc mang giá trị, đậm chất hiện thực, khắc họa những hình ảnh sinh động, chân thực, thể hiện được sức sống, sức vươn lên của Thủ đô, thể hiện niềm tin của Nhân dân cả nước dành cho mảnh đất thân yêu này.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm “Hà Nội sức sống và niềm tin” từ ngày 8/10 đến hết ngày 22/10 tại 66 Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú, thể hiện sinh động, chân thực, thể hiện được sức sống, sức vươn lên của Thủ đô và niềm tin của nhân dân cả nước dành cho Hà Nội.

Tác phẩm "Phố Gia Ngư" (sơn dầu, 1980) của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Tác phẩm "Phố Gia Ngư" (sơn dầu, 1980) của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Hà Nội sục sôi tinh thần cách mạng trước năm 1945 được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Đánh chiếm Bắc Bộ phủ” của họa sĩ Trần Đình Thọ; Hà Nội anh dũng những ngày đầu kháng chiến được tái hiện qua các tác phẩm “Chiến lũy Ngã Tư Sở, Chợ Mơ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, “Hà Nội năm 1947” của họa sĩ Công Văn Trung, “Thủ đô kháng chiến” của họa sĩ Nguyễn Quang Phòng…

Sau 9 năm kháng chiến, hình ảnh Hà Nội được diễn tả trong không khí rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân về giải phóng Thủ đô. Những tác phẩm như “Hà Nội đêm giải phóng” của họa sĩ Lê Thanh Đức, “Phố Hàng Đường” của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, “Niềm vui giải phóng” của họa sĩ Trần Khánh Chương… cho thấy những hình ảnh tuyệt đẹp được khắc ghi, được nhắc nhớ, luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Hà Nội.

Nhiều tác phẩm cho thấy một Hà Nội vững vàng qua những năm tháng chiến tranh, vươn mình dựng xây Thủ đô ngày càng tươi đẹp. Đó là Hà Nội trầm lắng, cổ kính qua các tác phẩm của họa sĩ Trần Bình Lộc, Bùi Xuân Phái… Trong số 70 tác phẩm này, triển lãm sẽ giới thiệu bức tranh "Phố Gia Ngư" của danh họa Bùi Xuân Phái sáng tác năm 1980 trên chất liệu sơn dầu. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70. Các mảng màu trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái thường có đường viền đậm, từ bề mặt cho tới cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của cố họa sĩ, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự thay đổi của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.

Với việc kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu, trong không gian triển lãm sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ. Những sắc màu mạnh mẽ của công cuộc xây dựng kiến thiết Thủ đô được thể hiện qua các tác phẩm của họa sĩ Phạm Văn Đôn, Vũ Duy Nghĩa, Kim Thái, Nguyệt Nga… cũng hứa hẹn mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc đặc biệt về Hà Nội trong những ngày mùa thu năm nay.

Đáng chú ý, triển lãm sẽ kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu. Trong không gian triển lãm sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ. Cũng tại đây, vào ngày 12/10 còn có chương trình Art Talk với chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại”.

Như một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, mùa thu Hà Nội trở thành“điểm hẹn” của những sự kiện lịch sử trọng đại đối với Thủ đô và đất nước. Mùa thu Hà Nội không chỉ có sức lay động lòng người mà còn sống mãi trong ký ức, tâm hồn với biết bao tình cảm trân trọng, thiêng liêng, khó phai mờ.

Sân khấu âm nhạc dịp này cũng rộn ràng với nhiều chương trình lớn nhỏ khác nhau. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội những cảm xúc tháng 10". Chương trình được tổ chức với mong muốn khắc sâu niềm tự hào, tình yêu của khán giả với Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chương trình được hình trực tiếp trên kênh 1, Phát thanh FM96, trực tuyến trên ứng dụng Hà Nội On và các nền tảng số của Đài Hà Nội vào hồi 20h ngày 6/10 từ Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thông qua âm nhạc, chương trình "Hà Nội những cảm xúc tháng10" sẽ khắc họa vẻ đẹp, khí phách của Thủ đô qua năm tháng. Khán giả sẽ được gợi lại những thời khắc hào hùng, thiêng liêng của Hà Nội cách đây 70 năm khi Thủ đô được giải phóng.

Không chỉ gợi lại những ký ức đáng tự hào về trang sử vàng của Hà Nội, chương trình còn đem đến cho khán giả bức tranh toàn cảnh đầy lãng mạn, thơ mộng về mảnh đất kinh kỳ vào mùa thu - mùa đẹp nhất trong năm.

Hàng loạt ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội chính là cầu nối cảm xúc, giúp khán giả đắm chìm trong vẻ đẹp của Thủ đô trong những ngày gió heo may vương vấn qua từng ngõ phố: "Thu vàng", "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Hà Nội đêm trở gió", "Hoa sữa"…

Bên cạnh việc khắc họa lại vẻ đẹp của Hà Nội vào mùa thu, những ca khúc như "Mối tình đầu", "Hoài cảm", "Mắt biếc", "Mùa thu cho em"… sẽ là nét chấm phá đầy trong trẻo cho những rung cảm ngọt ngào của tình yêu đôi lứa, của vẻ đẹp tâm hồn con người khi hướng về mùa thu Hà Nội.

Phần cuối chương trình sẽ là những ca khúc mang đầy tính hoài niệm, khắc sâu tình yêu và nỗi nhớ của những con người đã sống, yêu và gắn bó với Hà Nội: "Đâu phải bởi mùa thu", "Nhớ mùa thu Hà Nội", "Một thoáng Tây Hồ"… Chương trình có sự góp mặt của Dàn nhạc thính phòng Thăng Long, NSND Thanh Lam, NSND Mai Hoa, ca sĩ Lân Nhã, Bảo Yến, Quỳnh Anh…

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-hao-hung-lang-man-qua-my-thuat-va-am-nhac-156426.html
Zalo