Hà Nội hành động quyết liệt trong cuộc chiến với ô nhiễm môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài, Hà Nội đang từng bước triển khai những chính sách mạnh tay nhằm kiểm soát phát thải, cải thiện môi trường sống và đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân.

Những giải pháp vừa được công bố tại tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô” cho thấy quyết tâm chính trị rõ ràng trong cuộc chiến với ô nhiễm - cuộc chiến không khoan nhượng giữa lòng đô thị hơn 8 triệu dân.

Mối đe dọa thường trực trong lòng đô thị

Không khí ngột ngạt, bầu trời mù mịt bởi bụi mịn, trẻ em và người cao tuổi ngày càng phải đối mặt với nhiều bệnh về hô hấp, đó không còn là hiện tượng bất thường mà đang trở thành thực tế báo động tại Hà Nội. Những ngày chất lượng không khí ở mức đỏ, thậm chí nâu không còn hiếm. Chỉ trong quý I/2025, theo số liệu từ hệ thống quan trắc tự động, nhiều điểm nội đô như Minh Khai, Tân Mai, Hàng Đậu liên tục ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội phần nhiều do khói từ các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội phần nhiều do khói từ các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng

Tại tọa đàm, các chuyên gia khẳng định Hà Nội đang đứng trước thách thức môi trường lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cảnh báo: “Chất lượng môi trường không khí nội đô bị suy giảm nghiêm trọng trong nhiều ngày, nhiều tháng, đặc biệt từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Điều đáng lo ngại là xu thế này đang có dấu hiệu gia tăng theo từng năm”. Không khí độc hại không chỉ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, mà còn là nguyên nhân dẫn đến quá tải hệ thống y tế, giảm năng suất lao động và kéo theo nhiều hệ lụy về phát triển xã hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), cho biết: “Bụi mịn PM2.5 là tác nhân chính gây tổn hại hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh và hệ miễn dịch, đặc biệt ở trẻ em, người già và phụ nữ mang thai. Ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho sức khỏe cá nhân mà còn là gánh nặng y tế và kinh tế đối với cả xã hội”.

Nhận diện rõ mối nguy hiểm này, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan T.Ư liên tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khống chế tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ thị 20/CT-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 12/7/2025 đặt ra các nhiệm vụ cấp bách và giải pháp đồng bộ về kiểm soát nguồn thải, bao gồm phát thải giao thông, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt và công nghiệp; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý Hà Nội về các nhiệm vụ cấp bách để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chỉ thị không chỉ dừng lại ở khuyến cáo, mà đưa ra lộ trình cụ thể về kiểm soát phương tiện cá nhân, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và đẩy nhanh áp dụng công nghệ xử lý khí thải.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, TP đang tập trung triển khai xây dựng “vùng phát thải thấp” tại các vành đai nội đô với mục tiêu giảm nguồn phát thải trực tiếp từ xe máy, ô tô chạy dầu và các hoạt động đốt rơm rạ. Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định rõ rằng việc kiểm soát ô nhiễm không khí không thể chỉ dựa vào một giải pháp đơn lẻ, mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, địa phương và người dân. Vùng phát thải thấp được kỳ vọng sẽ giảm đến 60% lượng khí thải phát sinh, tạo điều kiện để cải thiện bầu không khí cho cư dân sống trong khu vực".

Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ khí thải phương tiện giao thông sẽ được thắt chặt, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, hướng tới giao thông công cộng xanh, sạch. TP còn thiết lập các trạm quan trắc không khí tự động, sử dụng công nghệ Big Data, trí tuệ nhân tạo để giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực và cảnh báo kịp thời cho người dân.

TS Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định: “Chỉ thị 20 không chỉ thể hiện sự quan tâm từ Chính phủ mà còn là một chiến lược hành động với tầm nhìn dài hạn. Đây là cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, đồng thời bổ sung cơ chế hỗ trợ cụ thể để Hà Nội có thể triển khai hiệu quả”. Không chỉ cấp phát ngân sách, Chính phủ còn yêu cầu xây dựng hệ thống đánh giá tác động môi trường theo thời gian thực, tăng cường phạt nguội đối với hành vi gây ô nhiễm và đặc biệt khuyến khích mô hình giao thông xanh - yếu tố then chốt để Hà Nội có thể từng bước thay đổi diện mạo môi trường đô thị.

Người dân là nòng cốt

Dù chính sách có mạnh đến đâu, nếu không có sự đồng thuận từ cộng đồng thì những nỗ lực vẫn có thể rơi vào khoảng trống. Tại tọa đàm, các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, ngoài việc đeo khẩu trang đạt chuẩn, theo dõi chất lượng không khí qua các ứng dụng, người dân nên hạn chế sử dụng các thiết bị đun đốt than tổ ong, rơm rạ và tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Đáng mừng là sự thay đổi này đã bắt đầu được ghi nhận.

TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ: “Tôi rất lạc quan khi chứng kiến số lượng người dân sử dụng xe điện, phương tiện công cộng ngày càng tăng. Điều này cho thấy nhận thức đang chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường không thể chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước. Mỗi hành động nhỏ của cộng đồng đều mang lại giá trị tích lũy lớn”.

Các DN cũng không đứng ngoài cuộc. Một số hãng xe điện đang phối hợp với TP triển khai chương trình “Đổi xe cũ - nhận hỗ trợ xanh”, giúp người dân tiếp cận phương tiện thân thiện với môi trường với mức giá ưu đãi, đồng thời được miễn giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ lắp đặt trạm sạc tại khu dân cư.

Ô nhiễm môi trường không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng với những gì đang được triển khai - từ chính sách kiểm soát phát thải, sự phối hợp liên ngành, sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ và đặc biệt là chuyển động tích cực trong cộng đồng, Hà Nội đang chứng minh rằng không đứng yên trước nguy cơ. Trái lại, Thủ đô đang đi tiên phong trong hành trình phát triển bền vững, đặt sức khỏe con người làm trung tâm của mọi chiến lược.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định tại tọa đàm: “Chỉ khi có sự đồng lòng từ chính sách đến hành động, từ lãnh đạo đến người dân, từ DN đến cộng đồng, chất lượng môi trường Thủ đô mới thực sự được cải thiện bền vững”. Trong cuộc chiến với ô nhiễm, không có chỗ cho sự trì hoãn. Những hành động hôm nay không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hiện tại, mà còn là cam kết đối với tương lai của chính Hà Nội - một TP đáng sống, trong lành và an toàn cho mọi người dân".

Bắc Kinh từng là TP ô nhiễm nặng, nhưng chỉ sau hơn một thập kỷ đã cải thiện rõ rệt chất lượng không khí nhờ các chính sách mạnh tay, như chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện. Theo ông, đây là minh chứng cho thấy nếu quyết liệt và hành động nhanh, thành phố có thể thay đổi. Đồng thời, ông nhấn mạnh người dân luôn sẵn sàng ủng hộ nếu các chính sách hỗ trợ, mạng lưới sạc và giao thông công cộng được công bố rõ ràng, triển khai đồng bộ và kịp thời.

TS Hoàng Dương Tùng

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hanh-dong-quyet-liet-trong-cuoc-chien-voi-o-nhiem-moi-truong.772803.html
Zalo