Hà Nội giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế, hướng tới 24 chỉ tiêu cốt lõi

Kể từ đầu năm 2024, kinh tế của Thủ đô đã có sự cải thiện đáng kể, với nhiều chỉ số quan trọng có mức tăng trưởng cao. Trên nền tảng đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thiết thực vì doanh nghiệp và người dân, hướng tới tăng trưởng nhanh, toàn diện.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.

Phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu

Kế hoạch nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024; phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội kể từ nay đến cuối năm 2024.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội kể từ nay đến cuối năm 2024.

Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 - 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.

Về 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội gồm: Giảm 0,15% tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; duy trì 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng 2,5%; tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%; Giảm 380 số hộ nghèo so với đầu năm; tỷ lệ thấp nghiệp khu vực thành thị giảm dưới 3%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 74,2%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,5%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa" đạt 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 74%.

Về 5 chỉ tiêu phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100% và nông thôn đạt 95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100% ở đô thị và từ 95-100% ở khu vực nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100% với cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động, 99% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22-25%; tăng 40 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 35 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Duy trì mức tăng trưởng cao

Những mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm của Hà Nội được tính toán dựa trên những kết quả đầy tích cực trong những tháng đầu năm vừa qua.

Tính chung 8 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, có 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11% và 19,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%. Những con số này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp nhìn chung còn gặp không ít khó khăn.

Nhiều chỉ số quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao.

Nhiều chỉ số quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao.

Cũng trong 8 tháng, Thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023 và là kết quả rất ấn tượng. Trong đó, đăng ký cấp mới có 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 177,7 triệu USD. Như vậy, Hà Nội vẫn duy trì là điểm đến an toàn, đầy tiềm năng cũng như vị thế hấp dẫn vốn đầu tư của cả nước.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2024 trên địa bàn Thành phố tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.

Một số ngành chủ lực tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%...

Nhìn vào cơ cấu ngành/lĩnh vực kinh tế cũng như sản phẩm nói trên có thể thấy, sự chuyển dịch khá tích cực của nền kinh tế Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời giảm dần những ngành sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu, đòi hỏi nhiều mặt bằng, năng lượng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng môi trường.

Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đáng ghi nhận là, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch 7,3 tỷ USD, tăng 17,9% - là mức tăng khá mạnh, trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,9%.

Thực tế trên cho thấy, khối doanh nghiệp nội địa đang có sự bứt phá cao hơn so với doanh nghiệp có vốn nước ngoài và đó là chuyển biến tích cực.

Nhìn chung, hầu hết các chỉ số quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sức sống và kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô đều đang cải thiện, tăng trưởng khá rõ, thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ.

9 nhóm giải pháp để hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 2024

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND Thành phố triển khai 9 nhóm giải pháp gồm:

1. Bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng.

2. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.

4. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.

5. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

7. Duy trì tốt công tác đối ngoại; xúc tiến đầu tư, thương mại.

8. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

9. Tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn Thành phố.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-giu-vung-vi-the-dau-tau-kinh-te-huong-toi-24-chi-tieu-cot-loi-1102476.html
Zalo