Hà Nội ghi nhận trung bình 200 ca mắc sởi mỗi tuần
Theo số liệu của hệ thống giám sát dịch, tính đến hết ngày 13/4/2025, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận gần 1.700 trường hợp mắc sởi, số ca mắc theo tuần chưa có xu hướng giảm, trung bình 200 ca mắc/tuần. Ca mắc sởi gia tăng trong nhóm tuổi đi học từ 6-15 tuổi.
Ngày 17/4, Sở Y tế Hà Nội thông tin vừa ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng.

Tiêm phòng sởi tại Trạm y tế phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Công văn nêu rõ, theo số liệu của hệ thống giám sát dịch, tính đến hết ngày 13/4/2025, toàn thành phố đã ghi nhận gần 1.700 trường hợp mắc sởi, số ca mắc theo tuần chưa có xu hướng giảm (trung bình 200 ca mắc/tuần), gia tăng trong nhóm tuổi đi học từ 6-15 tuổi, đồng thời đã ghi nhận thêm trường hợp tử vong liên quan bệnh sởi trên người có nhiều bệnh nền.
Cũng tính đến hết ngày 13/4, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc tay chân miệng, số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tuần gần đây. Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã ghi nhận ổ dịch hoặc có học sinh mắc bệnh sởi và tay chân miệng.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng trong trường học bằng nhiều hình thức để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nắm bắt được tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần triển khai.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập tổ chức theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của học sinh; quản lý và thống kê lý do nghỉ ốm của học sinh để nắm bắt kịp thời, đầy đủ số lượng học sinh mắc sởi, tay chân miệng nghỉ học và thông báo ngay cho trạm y tế trên địa bàn để phối hợp cách ly, xử lý kịp thời.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế để tổ chức hoạt động rà soát tiền sử và tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi cho học sinh chưa tiêm chủng đầy đủ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn lớp học, đồ chơi, đồ dùng của học sinh (đặc biệt tại các trường mầm non, mẫu giáo); yêu cầu cha mẹ học sinh cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà để đi khám, điều trị khi mắc bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo quyết liệt trung tâm y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em trên địa bàn chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đảm bảo không bỏ sót các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa được tiêm đầy đủ vaccine.
Chủ động tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khẩn trương rà soát số lượng trẻ từ 11-15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ.
Đảm bảo đủ kinh phí, nhân lực, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch và tiêm chủng trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các tuyến trong công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi và tay chân miệng.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch sởi và tay chân miệng trên địa bàn thành phố để tham mưu chỉ đạo biện pháp phòng chống kịp thời.
Dự trù đủ số lượng, tổ chức tiếp nhận và cung ứng kịp thời vaccine phòng bệnh sởi phục vụ cho công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các trung tâm y tế trong công tác triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch cần thiết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngành y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh...
Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm, chủ động thông tin trường hợp bệnh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các trung tâm y tế trên địa bàn để phối hợp điều tra, xử lý tại cộng đồng.