Hà Nội: Gần 4.250 di tích, di sản, tuyến phố đặc trưng cần bảo vệ
Qua thống kê, Thành phố Hà Nội có 3.522 di tích thuộc nhóm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; 727 ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử và công trình khác có giá trị kiến trúc cần bảo vệ…

Ảnh minh họa.
HĐND Thành phố Hà Nội vừa công bố Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).
Trong đó, danh mục Di sản văn hóa vật thể gồm nhóm di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý: 10 di tích (Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích tưởng niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, di tích 48 Hàng Ngang, Nhà tù Hỏa Lò, đền Bà Kiệu, di tích Hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn – Tượng đài Vua Lê…).
Di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt: 22 di tích (di tích lịch sử Gò Đống Đa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn, di tích lịch sử đền Hát Môn…); di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia: 1.164 di tích (chùa Một Cột, đình Vạn Phúc, chùa Bát Tháp, chùa Kim Sơn, chùa Hòe Nhai, đình Ngũ Xã, chùa Châu Long… ); di tích đã được xếp hạng cấp thành phố: 1.600 di tích; di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng: 46 di tích; địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến: 354 điểm; bảo vật quốc gia đã được công nhận: 34 bảo vật và 1 làng cổ.
Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể gồm di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh: 6 di sản (Hội Gióng, nghi lễ và trò chơi kéo co, tín ngưỡng thờ mẫu, hát ca trù, bia đề danh tiến sĩ các khoa thi triều Lê Mạc…); di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 42 di sản (phở Hà Nội, nghề dệt lụa Vạn Phúc, lễ hội đền Hai Bà Trưng….); làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội: 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.
Với ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục gồm các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I: 21 tuyến phố (phố Chợ Gạo, phố Đào Duy Từ, phố Đông Thái, phố Hàng Bạc, phố Hàng Buồm, phố Hàng Chiếu, phố Hàng Chĩnh…); các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II: 40 tuyến phố (phố Bát Đàn, phố Cầu Đông, phố Đồng Xuân, phố Hàng Bồ, phố Hàng Cót, phố Hàng Đậu…);
Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt: 16 đoạn tuyến phố; các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý: 11 đoạn tuyến phố.
Với các công trình khác có giá trị kiến trúc, danh mục gồm những biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954: 222 biệt thự xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954: 40 công trình có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý.
HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố tổ chức thực hiện nghị quyết; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa theo các danh mục; tổ chức tổng kết, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung danh mục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô; nghiên cứu phương án điều chỉnh sửa đổi danh mục phù hợp sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động trong nhân dân và giám sát việc tổ chức thực hiện.