Hà Nội đứng thứ 4 các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 151, Hà Nội đứng thứ 4 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 5h40 sáng 23/4 với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 151, Hà Nội đứng thứ 4 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức “không lành mạnh”.

Ảnh chụp màn hình.
Trong khi đó, chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh khả quan hơn, khi xếp thứ tự số 51 với chất lượng không khí ở mức 58 màu vàng, mức “trung bình”.

Ảnh chụp màn hình.
Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Thành phố có chất lượng không khí tốt nhất trong danh sách 124 địa điểm được IQAir theo dõi là Melbourne, Australia ở mức 12 "tốt". Còn thành phố có chất lượng không khí ô nhiễm nhất là Delhi, Ấn Độ với chỉ số 163, mức màu tím "rất không tốt".
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200), Bộ Y tế hướng dẫn: Đối với người bình thường cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí; Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm: Tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị...