Hà Nội dự kiến tăng mức phạt vi phạm giao thông: Chuyên gia đề xuất hình phạt bổ sung
Chuyên gia cho rằng Hà Nội nên cân nhắc tăng mức phạt vi phạm giao thông, có thể bổ sung hình phạt như lao động công ích, tham gia các khóa học an toàn giao thông.
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo dự thảo, Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm hành chính với 107 hành vi gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ.
![Bất chấp mức phạt cao, nam tài xế lại vô tư vượt đèn đỏ trên đường Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51440944/f1d1c60cf2421b1c4253.jpg)
Bất chấp mức phạt cao, nam tài xế lại vô tư vượt đèn đỏ trên đường Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)
Bổ sung phạt lao động công ích
Trả lời PV Báo điện tử VTC News về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông cao hơn so với quy định tại Nghị định 168/2024 có cơ sở pháp lý từ Luật Thủ đô (sửa đổi). Với tình hình giao thông phức tạp, kết cấu hạ tầng chưa ổn định, ý thức người dân chưa nâng cao thì tăng mức phạt là cần thiết.
"Ý thức tham gia giao thông của người dân có nhiều chuyển biến tích cực sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cố tình vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… làm xấu đi tình hình giao thông. Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa các đối tượng này", ông Thanh nhấn mạnh.
Ủng hộ việc Hà Nội tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông, song ông Thanh cho rằng việc nâng mức phạt với 107 hành vi là hơi nhiều và chưa có sự tập trung.
Thành phố cần cân nhắc kỹ, không nên quy định xử phạt diện quá rộng, tràn lan, nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt, có tính đặc thù ở địa bàn.
"Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe chở quá tải, cơi nới thành thùng, đua xe, lạng lách đánh võng là các hành vi Hà Nội nên tập trung xử lý", ông Thanh kiến nghị.
Ngoài phạt tiền, vị chuyên gia cũng đề nghị TP Hà Nội cân nhắc bổ sung phạt lao động công ích với những người cố tình vi phạm để răn đe, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng.
Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa giao thông chứ không phải khiến người dân tuân thủ một cách gượng ép vì tâm lý sợ bị phạt.
PGS.TS Trần Thành Nam
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng với đề xuất tăng mức so với quy định hiện hành.
"Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa giao thông chứ không phải khiến người dân tuân thủ một cách gượng ép vì tâm lý sợ bị phạt. Điều quan trọng là giúp họ nhận thức được lợi ích của việc chấp hành luật giao thông, từ đó tự giác thực hiện, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại", ông Nam nói.
Ông Nam nhận định, các biện pháp xử lý vi phạm cần linh hoạt, không chỉ mang tính răn đe mà còn có yếu tố giáo dục.
Dẫn chứng tại một số quốc gia, người vi phạm giao thông có thể bị yêu cầu thực hiện lao động công ích hoặc tham gia các khóa học về an toàn giao thông, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng những hình thức xử phạt này vừa mang tính nhân văn, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, để Hà Nội trở thành đô thị an toàn, văn minh, các chính sách quản lý giao thông cần được thực thi nghiêm minh nhưng phải phù hợp với thực tế, tránh tạo ra những bất cập do sự phát triển chưa đồng bộ giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân hiểu và chấp hành một cách tự nguyện, thay vì chỉ thực hiện vì lo sợ bị xử phạt.
Chưa nên tăng mức phạt ngay
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện nay Nghị định 168 của Chính phủ thực hiện hơn 1 tháng qua mang lại hiệu quả tốt, ý thức tham gia giao thông của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực.
"Như vậy, để đánh giá tổng thể hiệu quả của chính sách này, chúng ta cần thêm một thời gian nữa. Nếu Nghị định 168 đã làm tốt vai trò của mình, giải quyết tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì chúng ta nên cân nhắc có cần thêm các quy định khác nữa không. Nếu đã tốt mà chúng ta vẫn tiếp tục nâng cao mức phạt là không hợp lý", nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu quan điểm.
Vị chuyên gia đồng tình việc tăng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần với những hành vi vi phạm giao thông một cách cố tình, gây nguy hiểm cho người khác. Các mức xử phạt cần được cân nhắc theo từng tình huống, hành vi cụ thể, không nên đánh đồng tăng toàn bộ mức phạt với các hành vi vi phạm giao thông.
"Với những hành vi cố tình vi phạm, gây nguy hiểm và thiệt hại cho xã hội, làm tổn thất về kinh tế cũng như sức khỏe của con người thì cần phải tăng mức phạt lên thật cao, thậm chí gấp nhiều lần để hòng loại bỏ các hành vi này ra khỏi văn hóa tham gia giao thông", ông Tạo nhấn mạnh.
Cho rằng bản chất để giải quyết vấn đề an toàn giao thông và quản lý về văn hóa giao thông là giáo dục con người, ông Tạo nêu rõ cần giáo dục con người bao gồm cả người tổ chức giao thông cũng như người tham gia giao thông phải có ứng xử văn hóa.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng mức phạt với các hành vi vi phạm an toàn giao thông của Hà Nội.
"Tôi cho rằng việc tăng mức phạt vi phạm giao thông lên thật cao để ngăn chặn vi phạm là có tính áp đặt, không phù hợp với bối cảnh của nước ta. Cơ sở vật chất, tổ chức giao thông của chúng ta chưa thật sự tốt nhưng lại đổ hết lỗi vi phạm cho người dân để tăng mức phạt thì không hợp lý", ông Thủy nhận định.
Theo ông Thủy, mức thu nhập của người dân đang ở mức thấp, thế nhưng mức phạt lại quá cao. Nếu như chỉ vô tình vi phạm một lần trong năm, số tiền phạt bằng cả mấy tháng thu nhập, như thế là đẩy người dân vào bước đường cùng.
"Để thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, việc cần làm là phải có những chính sách tuyên truyền, giáo dục thật thuyết phục. Cần có lộ trình để thực hiện các quy định mới và các mức phạt không nên quá cao như thế.
Chúng ta có thể phạt 1 triệu đồng với lần vi phạm đầu tiên và tăng dần theo các lần vi phạm tiếp theo. Một đứa con hư, đánh một vài cái nó sẽ sợ, nhưng đánh đến 5-10 roi thì sẽ dẫn đến sự chống đối", ông Thủy phân tích.
Vị chuyên gia cho biết thêm, để các chính sách đi vào thực tiễn, Hà Nội phải là đầu tàu gương mẫu trong vấn đề thực hiện làm sao cho hợp lòng dân, phải đi vào lòng dân và phải phù hợp với thực tiễn đời sống.
Thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an, sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168, tình hình tai nạn giao thông đường bộ có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề.
Theo đó, từ 1/1 đến 31/1, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương...
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an cũng khẳng định, nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân, chủ doanh nghiệp, tài xế xe tải, tài xế xe khách... chuyển biến tích cực và nghiêm túc hơn khi áp dụng Nghị định 168.
"Người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, đặc biệt là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chấp hành việc đi đúng phần đường, làn đường theo quy định; trên đường cao tốc các phương tiện không chạy ở làn dừng khẩn cấp...", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói.