Hà Nội: Dự kiến có thêm 16 quận giai đoạn từ nay đến năm 2035

Hà Nội hiện đang triển khai song song lập, thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065… nhằm cụ thể hóa, tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị.

Quận Đông Anh – hạt nhân chính của thành phố phía Bắc

UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp chuyên đề vào cuối tháng 9.2024 về Chương trình phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Chương trình phát triển đô thị Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương, định hướng chiến lược của Trung ương, Chính phủ và quy định pháp luật hiện hành.

Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.

Đối với chỉ tiêu phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố hiện nay đạt khoảng 49,1%, theo đó, Chương trình phát triển đô thị Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 55-65%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2035 toàn Thành phố đạt khoảng 60-70%.

 Trong giai đoạn từ nay đến năm 2045 hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh. Ảnh: T.C

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2045 hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh. Ảnh: T.C

Về số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới: số lượng quận dự kiến là 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận).

Số lượng quận dự kiến này theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của UBND thành phố và Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển 5 huyện thành quận về Tổng kết tình hình thực hiện các Đề án đầu tư, xây dựng 05 huyện thành quận năm 2023.

Danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới được thực hiện theo đề án, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân

Trong đó, Hà Nội sẽ hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô; công nhận thành phố loại III - Sơn Tây trực thuộc thủ đô.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo Quy hoạch chung để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để tiến tới hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn đến năm 2045.

Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng

Về mật độ dân số, chỉ tiêu của Chương trình đặt ra mật đô dân số toàn đô thị của Hà Nội đạt trên 3.000 người/km2. Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị, thị trấn giai đoạn đến năm 2035 đạt 12.000 người/km2.

Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị, chỉ tiêu đặt ra về diện tích xây dựng đô thị trong khu vực nội thành đến năm 2035 (bao gồm tổng diện tích 12 quận và 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) là: 540km2 (không bao gồm diện tích mặt nước, cây xanh phòng hộ, hành lang thoát lũ, đất an ninh quốc phòng).

Khu vực các đô thị còn lại sẽ theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt.

Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị khu vực nội thành: Theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp.

Trong Chương trình phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 đang được trình HĐND, TP. Hà Nội cũng đặt ra các tiêu chuẩn thấp hơn mức tối thiểu và các tiêu chuẩn đạt nhưng ở mức thấp theo tiêu chuẩn phân loại đô thị tại thời điểm lập chương trình và theo tiêu chuẩn phân loại đô thị dự kiến được ưu tiên chú trọng đầu tư hoàn thiện.

 Mật độ dân số trong khu vực nội thành Hà Nội đạt khoảng 12.000 người/km2.

Mật độ dân số trong khu vực nội thành Hà Nội đạt khoảng 12.000 người/km2.

Tiêu chuẩn này bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước đạt 1,4 lần. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm gần nhất đạt 6,03%; tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn so với cả nước đạt 1,24 lần; mật độ dân số khu vực nội thị đạt 9.294người/km2; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt 5,74 %.

Bê cạnh đó, mật độ đường giao thông đạt 2,03km/km2; diện tích đất giao thông bình quân đầu người đạt 6,2m2/người; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình chỉ đạt 20,2 %; đất cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt 2m2/người…

Chương trình phát triển đô thị tại Hà Nội được xây dựng theo yêu cầu phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan, các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-du-kien-co-them-16-quan-giai-doan-tu-nay-den-nam-2035-post391403.html
Zalo