Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2025 lên hơn 87.130 tỷ đồng

Với kế hoạch đầu tư công năm 2025 lên tới hơn 87.130 tỷ đồng, Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút trong giải ngân vốn đầu tư, chuẩn bị nguồn lực cho loạt dự án trọng điểm mang tính chiến lược.

Tại Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII ngày 28/4, chủ trương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được thông qua.

Kế hoạch đầu tư công tăng mạnh, áp lực giải ngân lớn

Theo Tờ trình của Đảng ủy UBND TP. Hà Nội, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Thành phố được Trung ương giao là hơn 87.130 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024 và gấp hơn 2 lần so với kế hoạch năm 2021. Đây là mức tăng thể hiện rõ quyết tâm đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ về công tác tổ chức thực hiện, giải ngân và phân bổ vốn hiệu quả.

Tính đến ngày 20/4/2025, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 11,8%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ lớn, như sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị và triển khai các dự án quy mô lớn sau khi đã giao kế hoạch vốn.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chủ trương điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chủ trương điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả đầu tư, Thành phố chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn theo hướng linh hoạt: giảm vốn với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc không thể giải ngân hết; tăng vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao, đủ thủ tục pháp lý và nhu cầu vốn thực sự cấp thiết.

Trong đó, các dự án trọng điểm, công trình cấp bách thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di tích và chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được ưu tiên bố trí vốn, điển hình như: Các cầu vượt sông Hồng: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Thượng Cát; Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô với nhu cầu bổ sung khoảng 400 tỷ đồng; Dự án Vành đai 1 với nhu cầu vốn khoảng 300 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng; Các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt là tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc).

Không làm tăng tổng nguồn vốn kế hoạch 2025

Đáng chú ý, phương án điều chỉnh không làm tăng tổng mức đầu tư công năm 2025, mà chỉ phân bổ lại trong phạm vi vốn đã giao, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2024.

Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất tăng kế hoạch vốn trên 2.100 tỷ đồng cho các dự án khả thi, đồng thời giảm tương ứng 2.100 tỷ đồng từ các dự án chậm triển khai, vướng mắc về thủ tục, mặt bằng hoặc không có khả năng giải ngân đúng tiến độ. Có 34 dự án nằm trong diện giảm vốn, bao gồm 18 dự án vướng mặt bằng, 11 dự án chậm thủ tục, 4 dự án bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

Ngoài ra, Thành phố cũng chưa sử dụng các biện pháp tài chính đặc biệt như ứng trước Quỹ dự trữ tài chính hay dự toán ngân sách năm 2026, cho thấy sự thận trọng trong điều hành ngân sách.

Bên cạnh điều chỉnh kế hoạch năm 2025, Thành phố cũng cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Cụ thể, Hà Nội dự kiến: Tăng hơn 3.200 tỷ đồng cho 39 dự án cấp thành phố, gồm các công trình giao thông quan trọng như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát, tuyến đường sắt đô thị số 5 và nhiều dự án hạ tầng mới đã được phê duyệt; Giảm hơn 2.000 tỷ đồng đối với 21 dự án không bảo đảm tiến độ hoặc gặp khó khăn kéo dài.

Các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Trong phần vốn tăng thêm, 1.200 tỷ đồng được phân bổ từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn để bố trí cho hai dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam và xây dựng đường Tam Trinh, đây là hai tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực phía Nam Thủ đô.

Bối cảnh Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 cũng gắn liền với nhiều thay đổi lớn trong hệ thống tổ chức hành chính địa phương. Theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố sẽ thực hiện 2 đợt sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đồng thời chuẩn bị cho việc không tổ chức mô hình chính quyền cấp huyện theo tinh thần Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị.

Sự thay đổi mô hình quản lý hành chính đặt ra yêu cầu cấp bách trong tổ chức lại bộ máy, nâng cao hiệu quả thực hiện đầu tư công, cải cách thủ tục phê duyệt, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, qua đó thúc đẩy tiến độ giải ngân, tránh tình trạng dàn trải, chậm trễ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Hà Nội đang bước vào giai đoạn then chốt trong phát triển hạ tầng, và đầu tư công chính là đòn bẩy quan trọng để phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy tiêu dùng và thu hút đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch hơn 87.000 tỷ đồng trong năm 2025, Thành phố cần quyết liệt hơn trong tháo gỡ các “nút thắt” về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh kịp thời danh mục dự án, cũng như có cơ chế giám sát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng vốn.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-dieu-chinh-ke-hoach-dau-tu-cong-2025-len-hon-87130-ty-dong-d274891.html
Zalo