Hà Nội đề xuất không sáp nhập các Sở QHKT, Xây dựng và GTVT
Trong báo cáo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của thành phố Hà Nội, dự kiến sau sắp xếp còn 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, trong đó có Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở GTVT.
Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận
Về đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đối với các cơ quan, tổ chức Đảng, Thành ủy Hà Nội đề xuất thực hiện việc sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy.
Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố. Hà Nội đề xuất tổ chức lại Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng thành Đảng bộ các trường đại học, cao đẳng Hà Nội.
Hà Nội cũng đề xuất kết thúc hoạt động của 3 Ban cán sự Đảng (Ban cán sự đảng UBND TP, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân TP, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân TP).
Bên cạnh đó, kết thúc hoạt động của 8 Đảng đoàn thuộc Thành ủy gồm Đảng đoàn HĐND TP; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ TP; Đảng đoàn Liên đoàn lao động TP; Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ TP; Đảng đoàn Hội Nông dân TP; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh TP...
Hà Nội đề xuất thành lập 2 Đảng bộ gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp thành phố trực thuộc Thành ủy và Đảng bộ chính quyền thành phố trực thuộc Thành ủy.
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND TP
Đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Tài chính, tên gọi sau sắp xếp là Sở Kinh tế - Tài chính.
Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở TN&MT và Sở NN&PTNT, tên gọi sau sắp xếp là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Hợp nhất Sở TT&TT và Sở KH&CN, tên gọi sau sắp xếp là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở LĐ-TBXH và Sở Nội vụ, tên gọi sau sắp xếp là Sở Nội vụ và Lao động. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội...
Sở Y tế sẽ tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TBXH.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TBXH.
Sở Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TBXH để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.
Hà Nội cũng đề xuất sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND TP.
Sau sắp xếp, dự kiến có 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, gồm Văn phòng UBND TP; Thanh tra TP; Tư pháp; Văn hóa và Thể thao; Kinh tế - Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Nội vụ và Lao động; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Xây dựng; GTVT; Du lịch; Quy hoạch - Kiến trúc.
Phương án duy trì Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng của Hà Nội có khác với định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ tại văn bản 24 về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ định hướng thực hiện sáp nhập Sở Quy hoạch Kiến trúc vào Sở Xây dựng và GTVT.
Văn bản số 24 cũng nêu rõ, trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TPHCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở GTVT và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại 2 thành phố này.