Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo mạng lưới chợ truyền thống
Đảm nhận hơn 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và khoảng 70% nhu cầu người dân ngoại thành, chợ truyền thống vẫn là mô hình kinh doanh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của Thủ đô.
Tuy vậy, hiện tại, nhiều chợ truyền thống đang xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu kinh doanh an toàn, văn minh. Trước thực trạng này, Hà Nội đang tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo mạng lưới chợ.
Bất cập trong thu hút vốn
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Trong năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 4 chợ gồm: Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) và Châu Long (quận Ba Đình). Trong khi đó, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ theo phân cấp quản lý.
Ngoài ra, có 7 chợ đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình cuối; 3 chợ đang thi công xây dựng; 5 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư. Đối với các địa phương, 6 chợ đang thi công; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến hoàn thành trong năm 2025; 9 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công trong năm 2025…
Thực tế cho thấy, mặc dù Hà Nội đã chú trọng nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình như chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) đã xuống cấp đến mức báo động, được thành phố đưa vào danh mục xây mới, nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai dù đã phân cấp cho quận Đống Đa sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Vướng mắc nằm ở chỗ các văn bản quy định về đầu tư, cấp quận được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho chợ dân sinh, nhưng chợ dân sinh lại được phân loại là chợ hạng 3, nên các chợ hạng 1 như chợ Ngã Tư Sở khó tiếp cận vốn ngân sách.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hiện việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Không chỉ chợ Ngã Tư Sở gặp khó trong quá trình cải tạo, xây mới, mà nhiều dự án xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì đất đai vẫn là đất công dẫn đến khó giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất của các chợ sau chuyển đổi.
“Bên cạnh đó, theo quy định khi xây dựng mới, mật độ xây dựng chỉ được 60%, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Điều này khiến việc bố trí 100% tiểu thương trong chợ trước đây được kinh doanh tại tầng 1 không khả thi, khó có khả năng đạt trên 50% tiểu thương đồng thuận với việc xây dựng mới chợ truyền thống”, bà Nguyễn Kiều Oanh thông tin thêm.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ
Sở Công Thương Hà Nội nhận định, việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức nên kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa bảo đảm đúng tiến độ. Một số chợ trên địa bàn thành phố (nhất là chợ ở khu vực ngoại thành họp theo phiên, quy mô nhỏ, manh mún) có doanh thu rất thấp, chỉ đủ bù đắp chi phí vệ sinh môi trường và một phần chi phí quản lý, không đủ bù đắp các khoản khấu hao và phục vụ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, nên rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hóa nguồn vốn. Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư theo kêu gọi của thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan, phải có chính sách đột phá mới gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ. Việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống và cảnh quan đô thị là rất cần thiết, do đó Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng chợ. Về phía Hà Nội, nên xem xét bố trí vốn đầu tư công để cải tạo, xây dựng chợ theo danh mục và tiêu chí đã đề ra bên cạnh việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Theo Kế hoạch số 355/KH-UBND được UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 5-12-2024 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2025, thành phố dự kiến đầu tư xây mới, xây dựng lại 34 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ. Để đạt chỉ tiêu được giao, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã ngay từ bây giờ phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, thu xếp vốn, khởi công ngay dự án đã hoàn tất thủ tục. Với các dự án trung tâm thương mại, siêu thị…, các địa phương cần báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, tiến độ đầu tư, cân đối bố trí vốn đầu tư… Từ đó, Sở Công Thương có cơ sở để phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo UBND thành phố giải quyết theo thẩm quyền.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Khó hút khách nếu không hướng đến bán hàng văn minh
Để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng, việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, nhân viên của chợ được đào tạo; tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…
Ở các nước phát triển, đơn cử như Singapore, dù là chợ truyền thống nhưng họ niêm yết giá tất cả các mặt hàng. Nếu phát hiện ai không niêm yết giá hoặc bán giá cao, chủ sạp hàng sẽ bị xử phạt nặng. Cơ quan quản lý rất chú trọng kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về niêm yết giá nhằm bảo đảm việc kinh doanh đúng quy định, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, đi cùng với cải tạo chợ, các chợ truyền thống phải có tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng đến bán hàng văn minh, nếu không rất khó thu hút khách. Trong khi thực tế hiện nay cho thấy, lượng khách ở các chợ truyền thống đang giảm dần, nhiều chợ rất thưa khách.
Phó Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) Nguyễn Thúy Nga:
Giữ bản chất của chợ dân sinh
Thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận Đống Đa, phường Khâm Thiên đã xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tiểu thương. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể phường Khâm Thiên cùng tham gia, vào cuộc nên việc triển khai đầu tư xây dựng lại chợ Khâm Thiên nhận được sự đồng thuận của đa số người dân và các tiểu thương. Đa số các hộ kinh doanh tại chợ và người dân nắm được các phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo...
Chợ Khâm Thiên sau khi được đầu tư xây dựng lại vẫn giữ được bản chất của chợ dân sinh, đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kinh doanh, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp; đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự. Qua đó, việc phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn được tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thắm, kinh doanh tại chợ Long Biên (quận Ba Đình):
Chợ dân sinh cần có mức phí phù hợp
Theo tôi, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Trước mắt có thể cải tạo từng phần để bảo đảm phòng, chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Như ở chợ Long Biên, Ban Quản lý chợ không chỉ quan tâm đến điều kiện kinh doanh, mà còn chú trọng nâng cao ý thức, đạo đức kinh doanh của các tiểu thương. Ban Quản lý cũng yêu cầu tiểu thương dỡ bỏ biển hiệu với đủ loại kích thước, màu sắc khác nhau ở mỗi ki ốt. Thay vào đó, cho lắp những tấm biển theo một kích cỡ, cùng chất liệu và được treo ở những vị trí quy định, không làm cản trở đến không gian của chợ. Việc làm này tuy nhỏ nhưng đã tác động lớn tới ý thức của các tiểu thương về văn hóa kinh doanh, tạo sự công bằng đối với các hộ tiểu thương. Về việc cải tạo nâng cấp chợ, để thu hút hộ kinh doanh, sau khi cải tạo chợ phải được trả lại đúng chức năng vốn có.
Quang Minh ghi