Hà Nội: Đặt tượng người đàn ông gánh phở khi cải tạo phố ẩm thực Tống Duy Tân

Dự án Cải tạo, xây dựng cổng chào phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dự kiến sẽ nghiên cứu dựng 2 cổng chào (phía phố Điện Biên Phủ và phố Hàng Bông), đồng thời dự kiến đặt một tác phẩm nghệ thuật - bức tượng bằng đồng mô tả một người đàn ông đang gánh phở.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, từ năm 2018, UBND quận đã xây dựng và triển khai Đề án số 34 "Mô hình tuyến phố An toàn thực phẩm có kiểm soát - văn minh thương mại Tống Duy Tân - Cấm Chỉ", hướng tới mục tiêu xây dựng tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ là tuyến phố kinh doanh ẩm thực đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát và văn minh thương mại.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ nghiên cứu dựng 2 cổng chào (phía phố Điện Biên Phủ và phố Hàng Bông), đồng thời dự kiến đặt một tác phẩm nghệ thuật - bức tượng bằng đồng mô tả một người đàn ông đang gánh phở tại tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ nghiên cứu dựng 2 cổng chào (phía phố Điện Biên Phủ và phố Hàng Bông), đồng thời dự kiến đặt một tác phẩm nghệ thuật - bức tượng bằng đồng mô tả một người đàn ông đang gánh phở tại tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ.

Theo đánh giá hiện trạng, trên tuyến phố có 1 cổng chào tại khu vực phố Tống Duy Tân giao phố Điện Biên Phủ được xây dựng từ năm 2010, đến nay đã xuống cấp, cột sắt đã hư hỏng, không còn phù hợp với cảnh quan đô thị; các khu vực còn lại của tuyến phố không có cổng vào để nhận diện.

Thực hiện Đề án số 81 ngày 24/3/2022 của UBND quận Hoàn Kiếm về nâng cao chất lượng tuyến phố văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư dự án “Cải tạo, xây dựng cổng chào phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ”.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, phía đơn vị tư vấn dự án đã đề xuất thiết kế 2 cổng chào phía phố Điện Biên Phủ và phố Hàng Bông.

Mô hình bức tượng người đàn ông gánh phở được đặt ở khu vực quảng trường trục Trần Phú, tạo điểm check-in cho người dân, du khách. Ảnh: Quận Hoàn Kiếm.

Mô hình bức tượng người đàn ông gánh phở được đặt ở khu vực quảng trường trục Trần Phú, tạo điểm check-in cho người dân, du khách. Ảnh: Quận Hoàn Kiếm.

"Hình ảnh cổng chào phía phố Điện Biên Phủ được tham khảo từ hình ảnh của cổng thành Đại Hưng của Hoàng Thành Thăng Long xưa. Đây là khu vực khởi nguồn của tuyến phố Tống Duy Tân. Ngôn ngữ thiết kế được nghiên cứu với 'dáng dấp' của kết cấu mái truyền thống Việt Nam thông qua việc sử dụng thủ pháp thiết kế đơn giản, tinh gọn. Cổng phía phố Hàng Bông được thiết kế trên cơ sở lấy ý tưởng từ hình ảnh nhà ống phố cổ Hà Nội những năm đầu thế kỷ 19 trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái", vị này nói.

Đáng chú ý, riêng khu vực quảng trường trục Trần Phú, đơn vị tư vấn nhận định đây là vị trí thích hợp để tạo lập một không gian check-in có độ nhận diện cao bằng một tác phẩm nghệ thuật.

Bức ảnh nguyên mẫu để thiết kế bức tượng dự kiến đặt tại khu vực tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân. Ảnh: Quận HK.

Bức ảnh nguyên mẫu để thiết kế bức tượng dự kiến đặt tại khu vực tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân. Ảnh: Quận HK.

"Khu vực này có lợi thế để người đi bộ dễ dàng tiếp cận. Giải pháp đơn vị tư vấn đề xuất là đặt một tác phẩm nghệ thuật lấy hình ảnh một người đàn ông đang gánh phở bằng đồng. Tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ Thế Sơn và nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh thiết kế, có chiều cao 1,6m bằng đồng nhằm giới thiệu và tôn vinh giá trị của Phở Hà Nội", đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thông tin, đồng thời kỳ vọng, sau khi cải tạo, sửa chữa, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ sẽ đảm bảo văn minh đô thị, là nơi tôn vinh và phát huy giá trị ẩm thực Hà Nội.

Phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ (nay gọi là ngõ Hàng Bông) là một trong những khu phố hình thành rất sớm, từ năm 1873. Thời xưa, với vị trí gần trường thi, phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ trở thành nơi bán đồ ăn cho các sĩ tử khi tham gia các cuộc thi tại kinh thành Thăng Long. Thời kỳ Pháp thuộc, phố Tống Duy Tân có tên là Rue Brusseaux. Sau Cách mạng tháng Tám (năm 1954) phố đổi tên là phố Bùi Bá Ký. Sau đó, phố còn có tên gọi là phố Kỳ Đồng gắn liền với bánh cuốn Kỳ Đồng nổi tiếng. Từ năm 1964, phố đổi tên thành phố Tống Duy Tân, theo tên nhà chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX - Tiến sĩ Tống Duy Tân (1837-1892).

Từ năm 2000, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để hình thành phố văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông (ngõ Cấm Chỉ cũ). Phố Tống Duy Tân có chiều dài 200m rộng khoảng 8m (sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến phố không còn vỉa hè); ngõ Hàng Bông dài khoảng 100m rộng khoảng 4m và không còn vỉa hè. Sau khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Phố văn hóa ẩm thực Việt Nam tại tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông chính thức được vận hành từ tháng 3/2002 và được UBND quận Hoàn Kiếm giao cho UBND phường Hàng Bông tổ chức, quản lý.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-dat-tuong-nguoi-dan-ong-ganh-pho-khi-cai-tao-pho-am-thuc-tong-duy-tan-post1702653.tpo
Zalo