Hà Nội đặt tên 22 tuyến đường, phố mới
Theo Quyết định số 3967/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2024, Hà Nội sẽ có thêm 22 tuyến đường, phố mới được đặt tên.
Có một thời người ta từng bàn đến việc Hà Nội nên học phương Tây về cách đánh số tên đường. Việc làm này là để làm giàu ngân hàng tên đường phố, giảm tránh tên đường trùng lắp. Điều này cũng rất thuận lợi vì các phố gần nhau sẽ có số thứ tự sát nhau. Tuy nhiên, đặt tên phố như vậy có phần hơi “nhàm chán” và không mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Trên thực tế, việc đặt tên đường phố ở Hà Nội không phải là ngẫu nhiên, kỳ thực chúng luôn tuân theo một quy tắc cụm, trong đó, mỗi cụm ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử nhất định.
Ấy vậy mà người Hà Nội vẫn truyền tai câu nói: “Nhớ đường Hà Nội là nhớ được Sử, nhớ Sử là nhớ được đường Hà Nội”, và việc đặt tên các con đường tuyến phố mới của năm 2024 cũng không nằm ngoài quy luật này.
Cụ thể, theo Quyết định số 3967/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2024, quận Hà Đông có 4 tuyến đường được đặt tên mới gồm: Phượng Bãi, Đồng Dâu, Hoàng Trình Thanh và Nguyễn Văn Luyện. Trong số này, tuyến đường dự kiến được đặt tên Nguyễn Văn Luyện dài nhất với 2km, rộng 40m, nằm ở đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Thanh Bình tại Khu đô thị mới Dương Nội đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Đại Mỗ - Dương Nội. Tên đường được đặt theo tên một vị bác sĩ, đại biểu Quốc hội khóa I. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã anh dũng chiến đấu và hy sinh cùng hai người con trai của mình.
Cũng giống như quận Hà Đông, năm nay quận Long Biên có 6 tuyến đường, phố mới gồm: Đường Cự Khối dài 1.250m; phố Hoa Động dài 830m; đường Nguyễn Gia Bồng dài 1.780m; đường Đồng Thanh dài 620m; phố Quán Tình dài 500m; phố Vo Trung dài 500m. Đây hầu hết là những tên gắn với các di tích như đình chùa, tên làng, xã, phường có sẵn. Trong đó, xã Quán Tình có từ cuối thời Lê Trung Hưng, là xã thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Ngoài ra, trên địa bàn Giang Biên, quận Long Biên hiện có chùa Quán Tình.
Còn tại huyện Mỹ Đức, các tên đường phố mới đều đặt mới đều theo tên xã, thôn có sẵn hoặc cách ghép tên, gồm: đường Phù Lưu Tế dài 2.430m; đường Mỹ Hà dài 3.000m; đường Sạt Nỏ dài 4.690m; đường Hà Xá dài 430m; đường Trung Nghĩa dài 3.000m; đường Thượng Tiết dài 2.170m. Riêng tên đường Trinh Tiết được đặt cho một con đường từ ngã ba tại cổng làng Trinh Tiết thuộc thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Thọ Sơn tại ngã ba chợ Sêu. Đường này dài 540m, rộng 7,5-8m…
Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh và đang phấn đấu lên quận, huyện Hoài Đức có hai đường sẽ được đặt tên mới là đường Lý Đàm Nghiên và Triệu Túc. Theo đó, Lý Đàm Nghiên, là người làng Lũng Kinh, xã Đức Giang, tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lý Đàm Nghiên vào Vệ quốc đoàn và anh tình nguyện ghi tên vào cảm tử quân. Rạng sáng, 13/1/1947, đồng chí Lý Đàm Nghiên đã anh dũng hy sinh khi ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch trong một trận đánh ở Ngã tư Kim Liên, Hà Nội. Như vậy, kể từ khi nhập ngũ đến lúc hy sinh, Lý Đàm Nghiên mới có 20 ngày trong quân ngũ và khi hy sinh anh mới 22 tuổi. Còn Triệu Túc là tên một công thần khai quốc nhà Tiền Lý, ông có công giúp vua Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân. Cả hai đều là những người con tiêu biểu của vùng đất Hoài Đức trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc.
Ở huyện Sóc Sơn, một con đường được đặt tên Trần Thị Bắc cho đoạn từ ngã ba giao đường Ngô Chi Lan đến ngã ba giao cắt tại ngõ 60 đường Núi Đôi. Sở dĩ lấy tên gọi này vì nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Bắc là nguyên mẫu xuất hiện trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao. Tại huyện Thanh Trì, hai tuyến đường mới được đặt tên là đường Quang Liệt dài 1.140m; đường Phương Dung dài 2.750m.
Cùng với việc đặt tên các tuyến đường phố mới, thành phố Hà Nội cũng tiến hành điều chỉnh độ dài 3 tuyến phố, gồm: Phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, được kéo dài từ điểm cuối phố Huỳnh Thúc Kháng tại ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến ngã ba giao cắt phố Cầu Giấy. Tuyến phố mới kéo dài 1.290m, rộng 30m có lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 7,5m. Kéo dài phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) cho đoạn từ ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến số 8 Pháo Đài Láng (đối diện Trung tâm Khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường); điều chỉnh 90m, rộng 30m. Phố Lệ Mật, quận Long Biên được kéo dài từ điểm cuối phố Lệ Mật, cạnh đình, chùa Lệ Mật đến ngã tư giao cắt phố Đào Đình. Phố Lệ Mật mới sẽ dài thêm 460m, rộng 13,5m.
Nhằm đảm bảo việc đặt tên phố được thuận lợi, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và đơn vị liên quan thực hiện việc phân định ranh giới, gắn biển tên 22 tuyến đường, phố mới đặt tên; 3 tuyến phố điều chỉnh độ dài và 2 công trình công cộng mới. Công an các quận, huyện, thị xã có đường, phố và công trình công cộng được đặt tên mới; đường, phố được điều chỉnh độ dài xây dựng kế hoạch phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành điều chỉnh các giấy tờ liên quan đến các hộ dân đang sinh sống tại địa bàn, bảo đảm ổn định tại cơ sở.