Hà Nội đặt mục tiêu 'xanh hóa' chợ dân sinh từ năm 2028
Hà Nội đang bước vào giai đoạn mới trong công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa, với mục tiêu đến năm 2028, túi nilon khó phân hủy và hộp nhựa xốp sẽ không còn hiện diện tại các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Quy định mới đang đặt ra bài toán lớn về sự thích nghi cho cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng – những đối tượng lâu nay vốn đã quen với sự tiện lợi của các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tại các chợ dân sinh, nhiều người dân vẫn sử dụng túi nilong để buôn bán.
Tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa, thực hiện theo Luật Thủ đô. Theo đó, từ ngày 1/1/2028, các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố sẽ không được phép sử dụng túi nilon và hộp xốp khó phân hủy. Trước đó một năm, từ 2027, việc phát túi nilon miễn phí cũng sẽ bị cấm.
Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân – một trong những chợ dân sinh sầm uất của Thủ đô, việc sử dụng túi nilon và hộp xốp để đựng thực phẩm vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, khi được hỏi về chủ trương mới, nhiều tiểu thương bày tỏ sự đồng tình và sẵn sàng thay đổi vì môi trường.
“Trước đây, tôi dùng hộp nhựa để bán hàng cho khách thì thấy khá bất cập vì nếu thu thêm phí thì khách sẽ không thích, không thu thì lãi sẽ giảm đi. Thậm chí, nhiều người không thích dùng hộp nhựa vì sợ không biết chất lượng của nó như thế nào. Giờ chuyển sang dùng hộp giấy để khách mang về tôi thấy nó tiện hơn nhiều. Khi mà Nhà nước đã quy định, truyền thông rõ ràng và hướng dẫn thay thế hợp lý thì tiểu thương như chúng tôi sẵn sàng chấp hành”, bà Văn Thị Thanh Bình, tiểu thương chợ Nghĩa Tân chia sẻ.

Một số cửa hàng bán đồ ăn đã chuyển từ hộp nhựa sang hộp giấy để bán cho khách mang về.
Đồng quan điểm, bà Cù Thị Hoàn, tiểu thương Chợ Nghĩa Tân cho biết: “Trong quá trình từ nay đến 2028 thì chúng tôi cũng sẽ nghe ngóng bà con xung quanh sử dụng như thế nào thì chúng tôi cũng sẽ như thế, tránh rác thải để đảm bảo môi trường trong xanh và đẹp hơn”.
Không chỉ có các tiểu thương đồng tình ủng hộ với việc giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, người tiêu dùng cũng đã có ý thức thay đổi những hành động nhỏ để có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của bản thân và gia đình.
Chị Quỳnh Trang, phường Mai Động cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc không sử dụng túi nilon, từ lâu bản thân tôi đã tự chuẩn bị những đồ dùng có thể tái sử dụng như túi giấy hay làn để đi chợ. Khi không sử dụng túi nilong cũng sẽ đảm bảo an toàn với thực phẩm hơn”.
Theo ghi nhận, tại nhiều trung tâm thương mại ở Thủ đô, nhiều cửa hàng đã sử dụng hoàn toàn túi giấy và khuyến khích người dân tự mang túi ở nhà. Ngoài ra, nếu mua ít đồ thì có thể cẩm tay.

Theo các chuyên gia về môi trường, nếu đốt rác thải ni lông sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường không khí, làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật khác.
Theo số liệu từ UBND TP Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 104.000 túi nilon được phát miễn phí tại 48 siêu thị trên địa bàn. Phần lớn trong số đó chỉ được sử dụng một lần rồi vứt bỏ, góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Chính vì vậy, việc triển khai quy định giảm phát thải nhựa là một phần trong chiến lược dài hạn của Hà Nội nhằm xây dựng một đô thị xanh – sạch – hiện đại. Dù quá trình chuyển đổi còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu, thành phố đã ghi nhận những tín hiệu tích cực: Ý thức người dân đang thay đổi, tiểu thương bắt đầu thích nghi, và thói quen tiêu dùng xanh dần hình thành trong đời sống thường nhật.