Hà Nội đánh giá lại mạng lưới xe buýt, hướng đến 100% xe buýt 'xanh'
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt 'Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt', làm cơ sở cải cách toàn diện hệ thống xe buýt của Thủ đô, hướng đến mục tiêu sử dụng 100% xe buýt xanh vào năm 2035.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 16-4, phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt” trên địa bàn Thành phố.
Mục tiêu của Đề án là khắc phục các bất cập hiện hữu trong hệ thống xe buýt, đồng thời từng bước xây dựng mạng lưới xe buýt hợp lý, thân thiện môi trường, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 70-90%, và đến năm 2035 là 100%.

Hà Nội vừa phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt”, hướng đến mục tiêu sử dụng 100% xe buýt xanh vào năm 2035. Ảnh: Trọng Phú
Hiện toàn thành phố có 154 tuyến buýt, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và kết nối với tám tỉnh, thành lân cận. Năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đạt hơn 385 triệu lượt, tăng 13,2% so với năm 2022.
TP Hà Nội cũng đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, như miễn phí vé cho người cao tuổi và hộ nghèo với hơn 721.000 thẻ miễn phí đã được cấp. Hệ thống vé ngày càng đa dạng và hiện đại, với vé lượt, vé tháng ưu tiên, vé liên tuyến, và thí điểm vé điện tử trên 25 tuyến buýt.
Đề án đánh giá toàn diện 7 nhóm nội dung gồm: mạng lưới tuyến, hạ tầng, phương tiện, hệ thống vé, chất lượng dịch vụ, chính sách trợ giá và chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng. Đồng thời đề xuất các nhóm giải pháp về tổ chức lại mạng lưới, đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ và triển khai vé điện tử liên thông toàn hệ thống.
TP cũng đặt ra định hướng quy hoạch dài hạn trong lĩnh vực giao thông đô thị như: xây mới 14 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2050, phát triển cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai tại khu vực Ứng Hòa - Phú Xuyên, mở rộng hệ thống bến xe…
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện Đề án theo đúng tiến độ và giải pháp đề ra, đảm bảo phù hợp thực tiễn, hiệu quả đầu tư và tránh lãng phí. Các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.