Hà Nội: Đảm bảo vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội

Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, Thành phố hà Nội xác định thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong các giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thành phố cân đối nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, điều hành, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư

Để thực hiện mục tiêu, TP. Hà Nội đã thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện và giao nhiệm vụ cho UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố. Ở cấp Thành phố tập trung vào việc triển khai các dự án có quy mô lớn (như có 42 dự án nhóm A và 7 dự án quan trọng quốc gia). Tổng kế hoạch vốn bố trí giai đoạn 2021-2024 của thành phố là trên 233.861 tỷ đồng.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành trên 570 dự án cấp thành phố; trên 520 dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, gần 1.550 dự án hỗ trợ mục tiêu cấp huyện.

Tuy nhiên, kế hoạch 2021-2025 cũng gặp một số khó khăn như ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều dự án bị giãn tiến độ thi công; giá nguyên vật liệu biến động mạnh ở năm 2022; khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (người dân không đồng thuận, không xác định được nguồn gốc đất, vướng tái định cư…) và chậm, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư (như vướng chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường, thủ tục chuyên ngành lĩnh vực di tích, về hiệp định vay của các Dự án ODA...)…

Công tác triển khai thủ tục đầu tư của các dự án cấp thành phố chậm, hiện còn 49 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có 6 dự án trọng điểm); 166 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án (trong đó có 10 công trình trọng điểm); 118 dự án đến hết năm 2024 hết thời gian thực hiện còn nhu cầu bố trí vốn 2025 chưa được điều chỉnh thời gian thực hiện.

 Hà Nội tập trung bố trí vốn đầu tư công cho dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: T.H

Hà Nội tập trung bố trí vốn đầu tư công cho dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: T.H

Nhiều dự án triển khai khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu về: Giải phóng mặt bằng (xác định nguồn gốc đất, người dân không đồng thuận, tái định cư,…); xác định chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường… Hiện nay có 126 dự án cấp thành phố (7 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; 32 dự án chưa phê duyệt dự án; 87 dự án đang triển khai thực hiện) báo cáo có khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ, ảnh hưởng đến khả năng giải ngân của dự án. Việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc chưa có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án ngân sách cấp thành phố giao cho một số UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư có xu hướng chậm trong thời gian gần đây. Một số huyện chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện để đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Không bố trí vốn dàn trải, manh mún

Để gỡ khó và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội chuyên đề đầu tháng 10.2024, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với kế hoạch tài chính trung hạn 2021-2025 và phù hợp với tình hình triển khai thực hiện các dự án. Cụ thể là thông qua các Nghị quyết: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều hòa kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025; chấp thuận tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án đầu tư công cấp thành phố và cấp huyện.

Bên cạnh đó, thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng vốn vay lại của nguồn vốn ODA của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và Dự án Hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội...

Trong mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, TP. Hà Nội đặt mục tiêu thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để xây dựng Thành phố phía Tây; Thành phố phía Bắc sông Hồng; các công trình tạo không gian xanh, không gian công cộng, không gian văn hóa, sáng tạo; phát triển các ngành quan trọng như: Công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn; hạ tầng số, hạ tầng nông thôn văn minh, tiệm cận với tiêu chuẩn đô thị, du lịch đẳng cấp quốc tế, tài chính ngân hàng hiện đại, y tế chất lượng cao, giáo dục ngang tầm khu vực và quốc tế, công nghiệp văn hóa, sáng tạo…

Trong lĩnh vực giao thông, mục tiêu Hà Nội đặt ra là đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống. Hoàn thành, đưa vào khai thác Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô từ năm 2027. Phấn đấu chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, góp phần phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), góp phần xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Tiếp tục đầu tư các đường tỉnh lộ; các trục giao thông gắn với 5 trục động lực phát triển: Trục sông Hồng; Trục Hồ Tây - Cổ Loa; Trục Nhật Tân - Nội Bài; Trục Hồ Tây - Ba Vì; Trục phía Nam.

Vì vậy, thành phố cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030; không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các khâu đột phá của thành phố, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để chuẩn bị cho kỳ Kế hoạch 2026 - 2030 ngay từ năm 2024, 2025, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội lớn trên địa bàn Thành phố; khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-dam-bao-von-dau-tu-doi-voi-cac-du-an-trong-diem-co-tinh-chat-lien-ket-vung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post394083.html
Zalo