Hà Nội: Công tác dân vận là một phần không thể thiếu
Nhấn mạnh mục tiêu công tác dân vận phải hướng tới là làm cho người dân có ý thức trách nhiệm trong tham gia đóng góp và thụ hưởng những kết quả đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, thời gian tới, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy để thấy công tác dân vận không chỉ là yêu cầu mà thực sự là nhu cầu tự thân và một phần không thể thiếu.
Chiều 3/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 43-KL/TW, ngày 7/1/2019, của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Các cấp chính quyền từ Thành phố tới cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1/10/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố tập trung thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ năm 2013 đến nay, cấp Thành phố đã tổ chức 2.514 cuộc giám sát, 144 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 21.100 cuộc giám sát, 1.499 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 68.463 cuộc giám sát, 11.742 hội nghị phản biện xã hội; qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, qua đó kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công tác tôn giáo cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố được nâng cao; bản sắc văn hóa của người dân vùng dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị.
Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Từ năm 2013 đến nay, có 95.964 mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được đăng ký triển khai. Qua đó, nhiều mô hình được xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng; nhiều mô hình được biểu dương, khen thưởng; nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW mà Thành ủy Hà Nội đã triển khai trong 10 năm qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Phạm Tất Thắng đề nghị hệ thống Dân vận thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận; qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả nổi bật trong công tác dân vận thể hiện sự sáng tạo và phù hợp với thực tiễn Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh mục tiêu công tác dân vận phải hướng tới là làm cho người dân có ý thức trách nhiệm trong tham gia đóng góp và thụ hưởng những kết quả đó.
Ông Nguyễn Văn Phong đề nghị, thời gian tới, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy để thấy công tác dân vận không chỉ là yêu cầu mà thực sự là nhu cầu tự thân và một phần không thể thiếu.
“Nếu người dân không ủng hộ, không tham gia, không tháo gỡ thì việc nhỏ cũng không làm được” và “Thực hiện dân vận không thể đi một mình, làm một mình mà phải kết hợp với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức, kiểm tra, giám sát”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Bên cạnh đó, phải phát huy tính chất gắn kết của các làng, xã có hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống hương ước đã được người dân bàn bạc, xây dựng và thống nhất để tiếp tục xây dựng nếp sống, quan tâm nghiên cứu để phát huy vai trò tự chủ, tự quản của người dân; có đề án hoặc kế hoạch phát huy mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, ứng dụng mạng xã hội trong công tác dân vận để tiếp nhận nhanh nhất các ý kiến của người dân cũng như phổ biến các thông tin chính thống của Trung ương và Thành phố đến người dân.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Ban Dân vận Thành ủy và lãnh đạo các địa phương phải quan tâm nắm bắt ý kiến dư luận nhân dân, tạo sự đồng thuật trong chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về tiêu chí và diện tích, dự kiến giảm khoảng 70 xã, phường.
Đặc biệt, năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, đây là dấu mốc quan trọng của Thành phố, do đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong gợi mở Khối Dân vận có thể tổ chức phát động cuộc thi về “Dân vận khéo”, có thêm các mô hình dân vận ở cơ sở, như về an ninh trật tự, giúp nhau giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội, về bảo vệ môi trường để tạo động lực, niềm vui, phấn khởi, sự vào cuộc, tham gia có trách nhiệm của người dân.