Hà Nội: 'Công nghiệp sáng tạo' có vai trò hết sức quan trọng...
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao quát 12 lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch, văn hóa,....Về phía TP Hà Nội, đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành 'công nghiệp sáng tạo' có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Hoàn Kiếm là quận nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố.
Theo các chuyên gia văn hóa, trong ký ức người Hà Nội, phố cổ không chỉ là "làng văn hóa đô thành" mà còn là "làng nghề - phố nghề" - nơi tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành những phố nghề đặc trưng mang nét truyền thống riêng biệt. Hà Nội xưa từng có tới hàng chục phố "Hàng" mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ.
Ngày nay, phần lớn các phố "Hàng" vẫn còn tên, nhưng nghề xưa gắn với tên phố thì đã mai một. Các phố này đã trở thành các phố thương mại, kinh doanh hỗn hợp…
Theo PGS. TS. Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay trước khi trở thành Kinh đô của cả nước là một "Kẻ quê" với những thôn dã xóm làng, với đình chùa giếng nước cây đa, với những bến chợ, bãi sông…Trải qua những biến động của lịch sử cùng với nền kinh tế bao cấp kéo dài 36 phố phường xưa (tức khu Phố cổ) đã lụi tàn dần và trở thành một hoài niệm. Chỉ đến Đại hội VI "đổi mới tư duy" tiểu thủ công nghiệp đô thị được đưa lên hàng chiến lược kinh tế.
Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử Quốc gia, vì vậy việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với nơi đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và tất cả các cơ quan hữu quan.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao quát 12 lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch, văn hóa,... gồm cả thủ công mỹ nghệ vốn là thành tố quan trọng của văn hóa, là nền tảng cho đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa.
Về phía TP Hà Nội, Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo" có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước rất nhiều thách thức như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế,... Phố nghề, nghề trên phố cổ, kinh doanh và sản phẩm du lịch của quận Hoàn Kiếm không đứng ngoài các vấn đề đó.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng), tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội thì cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển.
Theo ông Phạm Tuấn Long, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.
“Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, chúng ta có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.