Hà Nội công bố quy định mới liên quan đến quản lý quy hoạch, đô thị

Theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 được công bố chiều 13/1, tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 được xác định: Là thành phố 'Văn hiến-văn minh-hiện đại', trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao vào năm 2045 và trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển vào năm 2065.

Hà Nội ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng phát thải thấp.

Hà Nội ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng phát thải thấp.

Chiều 13/1, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035 và Quy chế quản lý kiến trúc thành phố.

Trên cơ sở Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua; Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã hoàn thiện Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quá trình hoàn thiện đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định, đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua. Đây là hai nội dung rất quan trọng và cần thiết để triển khai, cụ thể hóa một số nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, bao gồm tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án, chỉ tiêu, số liệu nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị để triển khai có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.

Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có 4 chương, 17 điều và phụ lục. Nội dung là các quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; quy định quản lý đối với các khu vực có yêu cầu đặc thù; định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan; yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; quy định về quản lý kiến trúc các loại hình công trình; quy định về quản lý kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật; quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

Về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, các mục tiêu cụ thể đã đặt ra bao gồm: chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị.

Bên cạnh đó, xác định các chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch chung đô thị, các khu vực phát triển đô thị để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn cho các quận và các khu vực dự kiến thành lập quận.

Theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, chỉ tiêu đô thị hóa của thành phố Hà Nội được xác định đến năm 2025 là 63%; đến năm 2030 là 65%; đến năm 2035 là 70%.

Hà Nội sẽ có 16 quận gồm: 12 quận hiện có và bốn huyện Đông Anh, Gia Lâm,Thanh Trì, Hoài Đức dự kiến thành lập quận.

Đặc biệt, về giao thông, Hà Nội ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp. Ngưỡng phấn đấu về mật độ đường giao thông gia tăng từ mức hiện trạng 2,03km/km2 lên thành 8km/km2.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-cong-bo-quy-dinh-moi-lien-quan-den-quan-ly-quy-hoach-do-thi-post855797.html
Zalo