Hà Nội có thêm 19 điểm ngập úng nếu mưa trên 70mm/giờ
Do ảnh hưởng của bão số 3, sáng nay trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có mưa to. Dự báo khi bão đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn thì nguy cơ xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố là rất cao.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/h, Hà Nội sẽ tồn tại 11 điểm ngập úng; trong trường hợp lượng mưa vượt mức 70mm/h, sẽ thêm 19 điểm úng ngập. Vì vậy thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để chống ngập úng khi bão số 3 đổ bộ.
Trong 11 điểm ngập úng, tại lưu vực sông Tô Lịch sẽ xuất hiện 8 điểm. Trong đó, quận Đống Đa có 1 điểm tại phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng Trường Lý Thường Kiệt); quận Cầu Giấy có 1 điểm tại phố Hoa Bằng; quận Hoàn Kiếm có 2 điểm tại ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt và ngã năm Đường Thành-Bát Đàn nhà Hỏa. Quận Ba Đình có một điểm ngập nằm ở phố Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị); quận Tây Hồ có 1 điểm ngập tại phố Thụy Khuê (dốc La Pho); quận Hai Bà Trưng có một điểm ngập trên phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); quận Hoàng Mai có một điểm ngập trên phố Nguyễn Chính.
Tại lưu vực sông Nhuệ, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, xuất hiện một điểm ngập tại quận Nam Từ Liêm trên Đại lộ Thăng Long đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656 và nút giao An Khánh. Tại lưu vực Long Biên - sông Cầu Bây xuất hiện hai điểm ngập tại quận Long Biên, nằm trên phố Ngọc Lâm đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm và đường Hoàng Như Tiếp đoạn Trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Để chuẩn bị ứng phó với bão và hoàn lưu của bão số 3, Thành phố đã xây dựng phương án phòng ngừa trước khi bão đổ bộ, triển khai, chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi, rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu. Đồng thời triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện giải pháp chống bão, chống úng ngập.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Trong khu vực nội thành đã tiến hành nạo vét, hút bùn cũng như bụi hệ thống các cống để phục vụ cho tình huống khi ngập úng và tưới tiêu. Về khu vực ngoại thành, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị sở, ngành tiến hành hạ mực nước các hồ chứa trên địa bàn của thành phố xuống khoảng gần 1 mét và xây dựng các phương án để nạo vét các hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất”.