Hà Nội chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy
Mới đây, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thành phố Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6/2024) với chủ đề 'Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy'.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, ngành LĐTBXH Thủ đô, với chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian qua đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an. Trên cơ sở đề xuất của Sở LĐTBXH, ngày 27/4/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định tổ chức lại 7 cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐTBXH.
Đến nay, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trực thuộc Sở đã có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và là các cơ sở đa chức năng, gồm: Cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị các chất dạng thuốc phiện thay thế Methadone...), bảo đảm đúng theo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ LĐTBXH.
Trước đó, năm 2023 Sở LĐTBXH và Công an Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố ban hành 3 Nghị quyết quan trọng; trong đó Thành phố đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ người cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và các lực lượng phòng, chống ma túy.
Đến nay, các chính sách cai nghiện ma túy của Thành phố đã được cơ bản phủ kín, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo 89 Thành phố đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng.
Tại thành phố Hà Nội, người cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện trực thuộc Sở đã được Thành phố đài thọ toàn bộ chi phí trong suốt quá trình cai nghiện, chữa trị tại các cơ sở. Các lực lượng phòng, chống ma túy từ Thành phố đến cơ sở được hưởng các chính sách đặc thù, từ đó yên tâm công tác, ngày càng có đóng góp tích cực đối với công tác phòng, chống ma túy của Thành phố.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tham mưu ban hành các chế độ, chính sách về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, Sở LĐTBXH đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ tiêu cai nghiện ma túy.
6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã đưa 1.269 người đi cai nghiện bắt buộc (đạt 71,1% kế hoạch); vận động 681 người cai nghiện tự nguyện (đạt 56,8% kế hoạch); tiếp nhận quản lý, chăm sóc, giúp đỡ 949 người sau cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú; duy trì 470 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy và phát triển mới 69 mô hình mới tại các địa phương.
Tính đến thời điểm ngày 14/6/2024, 7 cơ sở cai nghiện ma túy công lập của Thành phố đang quản lý có 3.795 học viên (trong đó: 2.679 người cai nghiện bắt buộc; 662 người cai nghiện tự nguyện; 261 người lưu trú tạm thời; 169 người điều trị Methadone và 23 người theo dõi xác định tình trạng nghiện).
Công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện ma túy được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, môi trường cai nghiện ma túy tại các cơ sở ngày càng "An toàn - Thân thiện - Chuyên nghiệp và Hiệu quả".
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo 89 Thành phố giao, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam đề nghị các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, phòng LĐTBXH quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy", Luật Phòng chống ma túy 2021, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cùng đó, các cơ sở cai nghiện ma túy chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện. Đảm bảo sẵn sàng phối hợp, tiếp nhận 24/7 với người được đưa vào cai nghiện ma túy, lưu trú tạm thời và xác định tình trạng nghiện ma túy của các địa phương.
Các địa phương tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý người sau cai nghiện ma túy hiệu quả theo Chương trình 08 của Thành ủy, phấn đấu cuối năm 2024 hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện để người nghiện ma túy được tiếp cận và lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, cho đội ngũ cán bộ cấp xã làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn Thành phố.
Các đơn vị chủ động xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng điều trị, cai nghiện tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng.
Phòng LĐTBXH quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan và gia đình người nghiện tập trung vận động, thuyết phục người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở; đẩy mạnh quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, cho vay vốn giải quyết việc làm; tạo điều kiện để người sau cai hòa nhập tốt với cộng đồng...