Hà Nội chuẩn bị kịch bản ứng phó với dịch bệnh COVID-19
Trước diễn biến rất nhanh của dịch bệnh COVID-19, đòi hỏi các cơ quan y tế và các cơ quan chức năng phải khẩn trương hơn mới chặn được đường lây truyền của dịch bệnh.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội đã kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch và chuẩn bị các kịch bản nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng lên. Đây là nhận định của Phó Giám đốc Phụ trách điều hành CDC Hà Nội Trương Quang Việt.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã nâng cao hơn một mức công tác phòng chống dịch COVID-19. Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, số trường hợp mắc, lịch trình di chuyển và các thông báo khẩn được CDC công khai sớm nhất để cung cấp cho người dân tình hình dịch bệnh và phối hợp cùng ngành y tế, chính quyền địa phương chung tay phòng chống COVID-19. Tổ chức thường trực tiếp nhận và trả lời thông tin dịch bệnh 24/24 giờ.
65 đội chống dịch cơ động phòng chống dịch tại các tuyến đã được huy động để phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh nghi ngờ. CDC Hà Nội đang khẩn trương khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người có liên quan để lấy mẫu xét nghiệm.
Tốc độ lây nhiễm COVID-19 rất nhanh
Ông Trương Quang Việt cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, tốc độ lây nhiễm SARS-CoV-2 lần này rất nhanh, chu kỳ lây nhiễm ngắn. Chính vì vậy, CDC Hà Nội đã xây dựng kịch bản nếu có 1 ca dương tính ngoài cộng đồng thì dự kiến sẽ có khoảng từ 30 - 40 ca F1 và nhân lên khoảng 1.600 - 2.000 ca F2, vì vậy tinh thần chống dịch càng phải khẩn trương hơn.
Cụ thể là đẩy mạnh khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng để phân luồng, tăng năng lực ứng xử đối với các trường hợp tiếp xúc, tiếp xúc gần và xét nghiệm cho kết quả sớm nhất.
Xây dựng kịch bản bước 1 có 30 ca dương tính ngoài cộng đồng từ đó nhân lên F1, F2 và tính ra các phương thức thực hiện rà soát khoanh vùng, xét nghiệm, điều trị; phương án 2 là 100 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng để chủ động ứng phó, ưu tiên lấy mẫu những ca dương tính, ca nghi ngờ, đồng thời lấy mẫu F2 để xét nghiệm ngay.
Ngoài ra, CDC Hà Nội còn chuẩn bị toàn diện từ nhân lực, vật tư, năng lực xét nghiệm, rà soát cơ số phòng chống dịch để có phương án bổ sung khi cần thiết.
Các bệnh viện Hà Nội sẵn sàng đón bệnh nhân COVID-19 nếu có
Tại cuộc họp trực tuyến toàn ngành y tế của Hà Nội, chiều ngày 5/5, Sở Y tế đã quán triệt khẩn cấp về công tác phòng chống dịch COVID-19, sẵn sẵn sàng điều kiện giường bệnh và trang thiết bị y tế, công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ trên địa bàn.
Ngay sau khi Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2 Kim Chung phải cách ly tập trung, chỉ nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 và không nhận điều trị các bệnh nhân khác, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành thành phố, trước hết là Bệnh viện Thăng Long, Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông và Đống Đa sẵn sàng đón nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu có.
Hiện nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng rõ ràng, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo toàn ngành khẩn trương truy vết và phòng dịch hiệu quả. Sở Y tế yêu cần các đội cơ động tại 30 quận, huyện phải luôn thường trực 24/24h.
Các đơn vị quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn giám sát lấy mẫu tất cả trường hợp nghi ngờ, nhất là người có tiền sử đi du lịch tại những nơi xuất hiện ổ dịch tại thành phố Đà Nẵng, trở về từ ổ dịch tại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc trong thời gian qua; những khu vực có nhiều dịch vụ quán karaoke, spa, bar; chợ đầu mối, khu vực sân bay Nội Bài.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh đến công tác quản lý cách ly, trong đó có 3 điểm trong quy định mới, khác với trước đây.
Theo đó, ngày đầu trường hợp F1 được đưa vào cách ly tập trung lấy mẫu xét nghiệm lần 1. Đủ 14 ngày cách ly tập trung, tức bước sang ngày thứ 15, đối tượng mới lấy mẫu lần 2 và kết thúc 16 ngày sẽ được ra khỏi khu cách ly nếu kết quả âm tính.
Khi trở về địa phương, những trường hợp tiếp tục cách ly tại nhà lấy mẫu lần 3 khi đủ 7 ngày nếu âm tính vẫn tiếp tục theo dõi đủ 14 ngày cách ly tại nhà.
Khu cách ly cũng cần sẵn sàng cách ly tập trung F1 là quân đội quản lý và ytế giám sát.
Ngoài kiểm soát chặt chẽ phòng dịch COVID-19 trong Bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập, nhà thuốc tư nhân khi có người có biểu hiện sốt, ho, khó thở đến khám, mua thuốc cần báo ngay cho Trạm Y tế trên địa bàn để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Đối với các đơn vị y tế nhất là hành nghề Y tư nhân không làm tốt công tác phòng dịch thì phải đóng cửa.