Hà Nội chỉ nên tăng mức phạt vi phạm giao thông cao ở một số lỗi
Với lỗi chở quá tải gây hư hỏng tuyến đường nhiều tỷ đồng thì nên tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Hà Nội chỉ nên nghiên cứu xử phạt tăng nặng hành vi vi phạm gấp 1,5 - 2 lần đối với khoảng 50-60/107 lỗi như dự thảo nghị quyết.
TP Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia và người dân về dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó đề xuất tăng mức xử phạt ở với 107 hành vi vi phạm gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168.
Ngay lập tức, dự thảo đã lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận người dân, lái xe và các chuyên gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này cần cân nhắc kỹ bởi Nghị định 168 chỉ vừa có hiệu lực và đã tăng nặng nhiều mức phạt rồi nên khi đề xuất tăng mức xử phạt cần xem xét đến nhiều yếu tố khác, nhất là chất lượng hạ tầng giao thông…
Vì sao Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp 1,5 - 2 lần?
Trong dự thảo nghị quyết, UBND TP Hà Nội đề xuất nâng mức phạt đối với 107 hành vi vi phạm gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168.
![Người dân chấp hành luật tốt hơn sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51462309/c7fabc8b8cc5659b3cd4.jpg)
Người dân chấp hành luật tốt hơn sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.
Lý giải về đề xuất trên, cơ quan soạn thảo nêu rõ, những lỗi vi phạm giao thông cần tăng mức phạt tập trung ở 3 nhóm hành vi: Có tính chất phổ biến, xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo cơ quan soạn thảo, Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước, nơi có dân số khoảng 8,5 triệu người. Thành phố cũng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, ngoại giao, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Đáng chú ý, địa bàn thành phố phát triển đa dạng các loại hình giao thông vận tải, nhiều chủng loại xe cộ với mật độ cao. Điều này dẫn đến sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khác biệt so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Cũng theo đề xuất, Nghị định 168/2024 đã được triển khai áp dụng ngày 1/1/2025 với việc tăng nặng mức phạt đối với nhiều hành vi. Song, tình hình thực tế ở Hà Nội vẫn phức tạp.
![CSGT Hà Nội tuần tra, điều tiết giao thông trên đường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51462309/f9537123416da833f17c.jpg)
CSGT Hà Nội tuần tra, điều tiết giao thông trên đường.
Vì thế, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn so với mặt bằng chung cả nước và mức phạt này không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định.
Chưa nên tăng mức phạt ngay, chỉ nên áp dụng một số lỗi
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, việc tăng nặng mức phạt là cần thiết trong điều kiện thực trạng giao thông phức tạp của Hà Nội hiện nay và có cơ sở pháp lý từ Luật Thủ đô, bản thân ông ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng băn khoăn trước đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần với 107 hành vi. Ông Thanh nêu quan điểm nên cân nhắc kỹ, không nên xử phạt tràn lan mà cần chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe…hoặc các hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khác.
"Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe chở quá tải, cơi nới thành thùng, đua xe, lạng lách đánh võng là các hành vi Hà Nội nên tập trung xử lý", ông Thanh kiến nghị.
![Theo dự thảo, Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm hành chính với 107 hành vi gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51462309/3b61ab119b5f72012b4e.jpg)
Theo dự thảo, Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm hành chính với 107 hành vi gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ.
Ủng hộ việc Hà Nội tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông, song ông Thanh cho rằng việc nâng mức phạt với 107 hành vi là hơi nhiều và chưa có sự tập trung.
“Với lỗi chở quá tải gây hư hỏng tuyến đường nhiều tỷ đồng trong khi họ chỉ vì lợi ích vài triệu đồng mà cố tình vi phạm thì nên tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe, hành vi đua xe trái phép… cần phải xử lý nghiêm. Thành phố cần cân nhắc kỹ, không nên quy định xử phạt diện quá rộng, tràn lan, nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt, có tính đặc thù ở địa bàn”, ông Thanh nói.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nay Nghị định 168 của Chính phủ thực hiện hơn 1 tháng qua mang lại hiệu quả tốt, ý thức tham gia giao thông của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực.
![Ủng hộ việc tăng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần với những hành vi vi phạm giao thông một cách cố tình, gây nguy hiểm cho người khác.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51462309/a7dc3fac0fe2e6bcbff3.jpg)
Ủng hộ việc tăng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần với những hành vi vi phạm giao thông một cách cố tình, gây nguy hiểm cho người khác.
"Như vậy, để đánh giá tổng thể hiệu quả của chính sách này, chúng ta cần thêm một thời gian nữa. Nếu Nghị định 168 đã làm tốt vai trò của mình, giải quyết tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì chúng ta nên cân nhắc có cần thêm các quy định khác nữa không. Nếu đã tốt mà chúng ta vẫn tiếp tục nâng cao mức phạt là không hợp lý", ông Tạo nêu quan điểm.
Vị chuyên gia đồng tình việc tăng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần với những hành vi vi phạm giao thông một cách cố tình, gây nguy hiểm cho người khác. Các mức xử phạt cần được cân nhắc theo từng tình huống, hành vi cụ thể, không nên đánh đồng tăng toàn bộ mức phạt với các hành vi vi phạm giao thông.
"Với những hành vi cố tình vi phạm, gây nguy hiểm và thiệt hại cho xã hội, làm tổn thất về kinh tế cũng như sức khỏe của con người thì cần phải tăng mức phạt lên thật cao, thậm chí gấp nhiều lần để hòng loại bỏ các hành vi này ra khỏi văn hóa tham gia giao thông", ông Tạo nhấn mạnh.
Cho rằng bản chất để giải quyết vấn đề an toàn giao thông và quản lý về văn hóa giao thông là giáo dục con người, ông Tạo nêu rõ cần giáo dục con người bao gồm cả người tổ chức giao thông cũng như người tham gia giao thông phải có ứng xử văn hóa.
![Chuyên gia giao thông đề nghị TP Hà Nội cân nhắc bổ sung phạt lao động công ích với những người cố tình vi phạm để răn đe, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_65_51462309/8cf5118521cbc89591da.jpg)
Chuyên gia giao thông đề nghị TP Hà Nội cân nhắc bổ sung phạt lao động công ích với những người cố tình vi phạm để răn đe, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng mức phạt với các hành vi vi phạm an toàn giao thông của Hà Nội.
Theo ông Thủy, mức thu nhập của người dân đang ở mức thấp, thế nhưng mức phạt lại quá cao. Nếu như chỉ vô tình vi phạm một lần trong năm, số tiền phạt bằng cả mấy tháng thu nhập, như thế là đẩy người dân vào bước đường cùng.
"Tôi cho rằng việc tăng mức phạt vi phạm giao thông lên thật cao để ngăn chặn vi phạm là có tính áp đặt, không phù hợp với bối cảnh của nước ta. Cơ sở vật chất, tổ chức giao thông của chúng ta chưa thật sự tốt nhưng lại đổ hết lỗi vi phạm cho người dân để tăng mức phạt thì không hợp lý", ông Thủy nhận định.
Theo dự thảo nghị quyết mà Hà Nội đang đưa ra lấy ý kiến, nhiều hành vi vi phạm dự kiến tăng mức phạt từ tháng 7/2025.
Cụ thể là các hành vi phổ biến như: Dừng, đỗ xe ở nơi có biển cấm dừng đỗ, trên phần đường của người đi bộ; chạy xe quá tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất cấm khác; không nhường đường, cản trở xe ưu tiên; không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Thậm chí, nhiều hành vi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt tối đa lên tới 120 triệu đồng. Đây là nhóm hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Theo UBND TP Hà Nội, việc ban hành nghị quyết trên cơ sở Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tháng 6/2024, có hiệu lực đầu năm 2025 giao HĐND TP Hà Nội quy định mức phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt do Chính phủ quy định và không quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Sau khi lấy ý kiến nhân dân, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp giữa năm 2025.