Hà Nội: Chăm lo chu đáo đời sống người dân trước diễn biến phức tạp của mưa lũ

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng; lực lượng chức năng chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.

Kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 10/9, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi kiểm tra tại tuyến đê bối, xã Tự Nhiên và đê sông Nhuệ, thôn Phú Lương, xã Tân Minh (huyện Thường Tín).

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và lãnh đạo TP. Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại khu vực đê sông Nhuệ, thôn Phú Lương, xã Tân Minh, huyện Thường Tín.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và lãnh đạo TP. Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại khu vực đê sông Nhuệ, thôn Phú Lương, xã Tân Minh, huyện Thường Tín.

Báo cáo nhanh về diễn biến mưa bão trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, mực nước sông Nhuệ tại cống Đồng Quan lúc 17h trên mức báo động III là 2 cm; mực nước sông Hồng tại trạm đo An Cảnh lúc 17h trên mức báo động I là 45 cm.

Cũng theo thống kê nhanh về thiệt hại ban đầu, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại về người do thiên tai; có 557 trường hợp bị tốc mái công trình do mưa bão; 250 biển quảng cáo, pano bị hư hỏng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện có khoảng 2.018 ha lúa bị đổ; khoảng 716 ha rau màu dập nát; khoảng 310 ha hoa, cây ăn quả bị ngập nước và khoảng 170 ha thủy sản bị tràn bờ; gia cầm chết khoảng 460 con gà; một số chuồng trại chăn nuôi bị ngập úng; tổng số 4.684 cây xanh bị gãy, đổ; 91 cột điện các loại và 3 cột viễn thông bị gãy đổ.

Bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện và mạng viễn thông trên địa bàn. Chiều tối và đêm 9/9 đã xảy ra hiện tượng mất điện diện rộng trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến công tác bơm tiêu tại các trạm bơm tiêu úng và công tác chỉ đạo, điều hành.

Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại các thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân phối hợp với UBND các xã vận hành các trạm bơm tiêu phục vụ công tác tiêu úng, đặc biệt là các diện tích sản xuất nông nghiệp đang bị ngập, úng.

UBND huyện cũng yêu cầu Công ty Điện lực Thường Tín tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khắc phục sự cố về điện, kịp thời cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng và phục vụ công tác sản xuất, dân sinh trên địa bàn; UBND các xã khẩn trương khắc phục, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Đặc biệt, UBND các xã dọc tuyến sông Hồng, sông Nhuệ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của mưa lũ để kịp thời triển khai những phương án đã được phê duyệt.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP đã yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải nắm chắc được diễn biến tình hình; triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương đến TP. Kiểm tra, rà duyệt lại trang thiết bị vật tư cho phòng, chống thiên tai để bảo đảm từ sớm, từ xa, theo phương châm "4 tại chỗ".

Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thường Tín phải bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện có đê, nắm tình hình các tuyến sông, tuyến đê, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động bất ngờ, lường trước mọi nguy cơ, mọi tình huống.

Đặc biệt, huyện cần có phương án, kịch bản theo từng cấp độ của báo động lũ, duy trì ứng trực 24/24h; chủ động, kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; rà soát các cầu yếu, cấm phương tiện và người qua lại nếu không bảo đảm an toàn…

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cũng yêu cầu huyện Thường Tín tăng cường huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để xử lý tình hình thiệt hại sau bão lũ, dọn cây gãy đổ, vệ sinh môi trường…

Chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại quận Bắc Từ Liêm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại khu vực cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại khu vực cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm.

Báo cáo về công tác ứng phó với tình hình mưa bão, lũ lớn trên các tuyến sông trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn cho biết, sông Hồng chảy qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm tại 4 phường: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc. “Hiện nay mực nước sông Hồng trên 10,5 m, trên mức báo động I, mỗi 1 giờ mức nước sông Hồng đang dâng lên 10cm”, ông Nguyễn Thường Sơn thông tin.

Hiện 4 phường ven đê sông Hồng có 802 hộ ngoài đê. Trong đó, phường Đông Ngạc có 340 hộ; Liên Mạc 147 hộ; Thụy Phương 75 hộ và Thượng Cát 240 hộ. Qua rà soát, tính đến 14h chiều 10/9, 4 phường ven đê sông Hồng cần di dời 567 hộ dân đến nơi an toàn. Các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo gồm Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu, Cổ Nhuế 2 có 553 hộ ngoài đê. Đây cũng là số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. “Hiện quận đang di dời khoảng 1.120 hộ dân, bảo đảm xong trong ngày 10/9”, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết.

Còn theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, quận Bắc Từ Liêm đã lập Sở Chỉ huy tại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm.

Quận đã phối hợp cùng 7 đơn vị quân đội với khoảng 900 cán bộ, chiến sĩ, 17 xe ô tô tải, 4 xuồng máy, máy phát điện, phao cứu sinh, nhà bạt ứng trực tại 13 cửa khẩu đê sông Hồng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố đê điều. Quận cũng huy động gần 3.000 người là lực lượng tại chỗ ứng trực tại các điếm canh đê và cửa khẩu đê.

Các phường trên địa bàn quận chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn như trường học, nhà văn hóa, bảo đảm đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; đồng thời UBND các phường chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo địa phương, lực lượng vũ trang, người dân đã hết sức quyết tâm trong phòng, chống bão số 3; đồng thời mong muốn các lực lượng tiếp tục cố gắng bền bỉ, kiên trì vượt qua thiên tai, mưa lũ.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy nhận định, với thời tiết hiện tại, tình hình mưa lũ trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, áp lực nước dồn từ thượng nguồn về hệ thống sông trên địa bàn TP rất lớn.

“Chúng ta không được chủ quan… huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí phải chuẩn bị sẵn, tính toán hết tất cả phương án dự phòng về lực lượng, phương tiện ứng phó với sự cố trong trường hợp mực nước sông Hồng đạt mức báo động III”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói và yêu cầu quận Bắc Từ Liêm thực hiện nghiêm túc việc vận hành, huy động các lực lượng ứng trực, canh đê và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong chỉ đạo, điều phối các hoạt động ứng phó với thiên tai, mưa lũ.

Ông cũng nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai hiện tại cần được xem như hoạt động phòng thủ dân sự chính thức. Do đó, cần huy động tổng lực các lực lượng của quận cũng như các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức phân công cụ thể nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; bảo đảm hậu cần, huy động phương tiện, vật lực xử lý kịp thời các tình huống.

Lưu ý công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị cần khách quan, chính xác để người dân cảnh giác, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng. “Cắt điện, nước cũng cần thông báo rõ thời gian, tránh gây hoang mang cho người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phải kiên quyết, quyết liệt thực hiện công tác vận động quần chúng để người dân nhận thức mối nguy hại của thiên tai với tài sản, tính mạng, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu nơi nào cần di chuyển người dân thì phải di chuyển triệt để cả người và tài sản; chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.

“Quyết tâm với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại cho người dân, sau đó cố gắng bảo vệ an toàn tài sản, an ninh trật tự trên địa bàn”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

“Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”
Cùng ngày, hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội phát động, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, chiều 10/9, cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội tổ chức quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, TP.

Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội tổ chức quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, TP.

Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội tổ chức quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, TP.

Với tinh thần tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ, mỗi cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội đều ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Toàn bộ kinh phí ủng hộ sẽ được thống kê và chuyển tới Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội để cùng góp phần khắc phục hậu quả do bão lũ.

Nhật Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-cham-lo-chu-dao-doi-song-nguoi-dan-truoc-dien-bien-phuc-tap-cua-mua-lu-d224584.html
Zalo