Hà Nội: Canh rừng, phòng lửa dịp Tết Ất Tỵ
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 năm nay cũng trùng vào cao điểm mùa khô hanh, tiểm ẩn nguy cơ cao về cháy rừng. Do vậy, tại các huyện, thị xã có rừng thuộc thành phố Hà Nội, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng cần đề cao cảnh giác, thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không lơ là trách nhiệm trong những ngày nghỉ Tết.
Thường trực nguy cơ cháy rừng
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có hơn 18.000ha rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường và rừng đặc dụng, phân bố trên địa bàn 7 huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Hiện là mùa khô hanh, trời ít mưa; hơn nữa, vào dịp Tết Nguyên đán, các huyện, thị xã có rừng đều tổ chức lễ hội, hoạt động vui chơi gần rừng và vùng lõi các khu rừng, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn thường trực.
Cụ thể, Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kéo dài 3 tháng (từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch); Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì) diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Giêng; Lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn) diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng… thu hút hàng vạn lượt người về hành hương.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Văn Hải, ngoài dự lễ hội, du khách còn sử dụng dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, du lịch khám phá rừng... nên chỉ cần bất cẩn để tàn tro hay đầu mẩu thuốc lá bén vào thảm thực bì sẽ dẫn đến cháy rừng.
Thực tế, nhiều năm qua, huyện Sóc Sơn luôn là “điểm nóng” về cháy rừng, trung bình có khoảng 15-20 vụ cháy rừng/năm. Đặc biệt, chỉ hơn 1 tháng cao điểm mùa khô 2024-2025 (từ ngày 11-10 đến 14-11-2024) địa bàn đã để xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 23ha rừng. Gần đây nhất, ngày 20-1-2025, xảy ra cháy rừng tại xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), rất may lực lượng chức năng đã kịp thời dập tắt đám cháy.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 9 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Văn Mạc chia sẻ, nguyên nhân cháy rừng chủ yếu đến từ sự chủ quan của con người.
Huyện Mỹ Đức có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 5.000ha. Số dân sinh sống xen kẽ trong rừng lên tới hàng nghìn hộ ở 4 xã: Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú.
Cùng với đó, quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn có 21 điểm di tích nằm trong rừng. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trong dịp lễ, Tết rất khó khăn. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm số 9 đều kiến nghị Chi cục Kiểm lâm Hà Nội hỗ trợ lực lượng tuần tra, canh gác dịp lễ hội.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh cho biết, càng những dịp lễ, Tết, lực lượng chức năng càng không thể lơ là, vì đây là thời điểm các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng luôn tìm mọi cách để thực hiện hành vi vi phạm. Hơn nữa, đây cũng là cao điểm mùa khô hanh, nên nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Do đó, các lực lượng kiểm lâm phải tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại gốc, tích cực đấu tranh, ngăn chặn hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng
Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, không chỉ trong mùa khô, dịp Tết Nguyên đán, hầu hết thời gian trong năm, lực lượng kiểm lâm cùng các địa phương luôn chủ động, tập trung triển khai kế hoạch bảo vệ, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Chi cục Kiểm lâm Hà Nội yêu cầu, các hạt kiểm lâm duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại các trạm kiểm lâm địa bàn; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND xã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để tổ chức tốt công tác bảo vệ rừng tại chỗ. Đồng thời, các hạt tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng tại các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh, điểm du lịch sinh thái, khu vực hoạt động lễ hội, như: Đền Sóc (huyện Sóc Sơn); chùa Hương (huyện Mỹ Đức); đền Thượng, Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì)… để kiểm soát sử dụng nguồn lửa.
Đối với “điểm nóng” về cháy rừng ở huyện Sóc Sơn, ngày 29-11-2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã ban hành quyết định tăng cường Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 lên thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong thời gian từ ngày 1-12-2024 đến ngày 1-3-2025, lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ người dân ra, vào rừng khi dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) trở lên; kịp thời phát hiện, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm, như: Đốt rừng, san ủi đất rừng, xây dựng các công trình trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, để hạn chế cháy rừng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện đã xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chi tiết. Huyện cũng chỉ đạo các xã có rừng phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 4 thành lập tổ xung kích, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong những ngày nghỉ Tết.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Lễ hội Gióng, huyện huy động thêm lực lượng công an xã, an ninh thôn túc trực ở những khu vực hóa vàng mã, xung quanh đền Sóc để ngăn chặn nguồn lửa bén vào rừng. “Chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất cháy rừng, phá rừng để nhân dân yên tâm vui xuân, đón Tết”, ông Đỗ Minh Tuấn nói.