Hà Nội cấm xe máy cũ, ô tô, xe buýt chạy dầu trong vùng phát thải thấp
Ngày 11/11, Sở Tư Pháp Hà Nội đã họp nghe ban soạn thảo dự thảo quy định 'Vùng phát thải thấp' (LEZ) báo cáo một số vấn đề về nội dung thực hiện, trong đó có việc lập vùng an toàn về môi trường và hạn chế, cấm phương tiện giao thông.
Nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội - cơ quan xây dựng dự thảo - cho biết, trước nhu cầu cấp thiết phát triển giao thông bền vững, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Luật Thủ đô có quy định, giao HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.
Để HĐND thành phố có cơ sở ban hành Nghị quyết trên, UBND thành phố đã giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng dự thảo quyết định quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là hoạt động giao thông. Theo tính toán, phát thải gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông hiện nay đang chiếm tới 54-72% nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
“Do vậy, khi xác định các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng xác định, hoạt động giao thông đang là nguyên nhân chính ảnh gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu” - đại diện Sở TN&MT Hà Nội thông tin.
Giải trình về việc đưa ra các biện pháp để thực hiện vùng phát thải như dự thảo đề án đã đề cập, đại diện Sở TN&MT cho biết, các cơ quan, đơn vị thực hiện sẽ triển khai hai nội dung cơ bản, gồm: Biện pháp quản lý, điều tiết giao thông bền vững và biện pháp kinh tế.
Đối với biện pháp biện pháp quản lý, điều tiết giao thông bền vững, sau khi xác định các vùng phát thải thấp, cơ quan có chức năng thực hiện nhiều giải pháp song song. Bao gồm: Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030; Rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc thành phố;
Xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng vận tải hành khách bằng xe buýt tạo sự kết nối hợp lý và thuận tiện; xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân; rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội; rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.
Đặc biệt, cơ quan thực hiện sẽ hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt Quy chuẩn Việt Nam ra môi trường trong vùng phát thải thấp; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện…
51% người đồng thuận “vùng phát thải thấp”
Với biện pháp kinh tế, Ban soạn thảo cho biết, cơ quan thực hiện ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ; có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân; quy định các loại phí, thuế phí khi xây dựng và thực hiện vùng phát thải thấp phù hợp với các chính sách, quy định chung...
Đến nay, Sở TN&MT đã hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được tham vấn, cho ý kiến, sau đó dự thảo đã được trình Sở Tư pháp thẩm định.
Sau khi dự thảo được Sở Tư pháp thẩm định xong, trong tháng 11 Sở TN&MT sẽ hoàn thiện một lần nữa, báo cáo UBND thống nhất, tiếp đến UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố xem xét, thông qua trong trong kỳ họp cuối năm 2024.
Cũng theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, qua tham vấn ý kiến cộng đồng về dự thảo quy định vùng phát thải thấp, tỷ lệ người được tham vấn đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp là trên 51%.